Cần tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử cấp xã và Tổ bầu cử phù hợp

13/05/2025 - 05:13

BDK.VN - Chiều 12-5-2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết phải xây dựng Luật này vì các thông tin cá nhân cần phải được bảo vệ chặt chẽ trong thời đại số hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu thảo luận các dự án Luật.

Đại biểu quan tâm góp ý tại Điều 30 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động ngân hàng, tín dụng, thông tin tín dụng, Khoản 1 có quy định “không được mua bán thông tin tín dụng hoặc chuyển giao trái phép thông tin tín dụng giữa các tổ chức ngân hàng tín dụng tài chính và thông tin tín dụng”. Tuy nhiên, tại khoản 5, Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm đã có quy định cấm “Mua, bán dữ liệu cá nhân”, nghĩa là hành vi cấm này áp dụng cho mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, do đó, không cần phải lặp lại việc không cho phép mua bán dữ liệu cá nhân ở từng lĩnh vực nữa. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định để đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, quy định nào trước đó đã có rồi thì bỏ, tránh trùng lặp không cần thiết.

Tại Điều 26 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong xử lý dữ liệu lớn, dự thảo Luật có nêu 11 nhóm giải pháp để xử lý dữ liệu lớn. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có giải thích từ ngữ như thế nào là “dữ liệu lớn”, đề nghị bổ sung vào Điều 2 phần giải thích từ ngữ đối với cụm từ này. Ngoài ra, trong các nhóm giải pháp có các quy đinh về cơ chế giám sát liên tục, cơ chế ràng buộc các đối tác và nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân...Để đảm bảo các quy định được cụ thể, chặt chẽ hơn, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều 26 này.

Tại Điều 29 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong giám sát và tuyển dụng lao động. Đại biểu cho rằng việc sử dụng từ “giám sát” chưa rõ, không biết đối tượng của giám sát là ai hay hoạt động gì. Để đảm bảo tính bao quát, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại tên Điều 29 như sau: “Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực lao động”, đồng thời, quy định các nội dung bên trong đảm bảo phù hợp với tên gọi này.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại biểu thống nhất về phạm vi sửa đổi cũng như tên gọi của dự thảo Luật. Về các vấn đề cụ thể, đại biểu có ý kiến như sau:

Tại Khoản 7, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 22 về việc thành lập, cơ cấu, thành phần của Ủy ban bầu cử có quy định:

“1. Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở tỉnh) để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ hai mươi mốt đến ba mươi mốt thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.”

Đại biểu đề nghị bổ sung “Đoàn đại biểu Quốc hội” và chỉnh sửa Khoản 1, Điều 22 như sau: “1. Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...”. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình cao với quy định bổ sung đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào thành phần của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, vì sẽ giúp cho việc chuẩn bị nhân sự, theo dõi, giám sát công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử ở tỉnh được chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong điều kiện sáp nhập tỉnh, địa bàn của tỉnh rộng lớn hơn, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu cũng nhiều hơn do dân số của tỉnh sẽ đông hơn. Ngoài ra, lần bầu cử này dự thảo Luật cũng bổ sung “Thư ký” vào thành phần Ủy ban bầu cử ở tỉnh, đại biểu cho là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, để quy định được rõ hơn, đại biểu đề nghị diễn đạt lại như sau: “Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ hai mươi mốt đến ba mươi mốt thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên và Thư ký. Thành phần gồm có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và một số cơ quan, tổ chức hữu quan”.

Tại Khoản 2, Điều 22 về Ủy ban bầu cử ở xã có quy định: “Ủy ban bầu cử ở xã có từ chín đến mười lăm thành viên. Thành viên Ủy ban bầu cử ở xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và một số cơ quan, tổ chức hữu quan”. Đại biểu nhận thấy số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở xã đã có nâng lên so với Luật hiện hành (Luật Bầu cử hiện hành quy định từ 9-11 thành viên). Tuy nhiên, trong điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sắp tới, các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ có diện tích, địa bàn rộng lớn hơn, số dân cũng tăng lên rất nhiều so với diện tích và số dân của một đơn vị hành chính cấp xã trước khi sáp nhập. Nếu với số lượng thành viên từ 9-15 người như dự thảo Luật quy định, đại biểu cho rằng khó đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử ở xã. Do đó, đại biểu đề nghị nên có quy định số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở xã tăng thêm, căn cứ vào số lượng ấp, khu phố hiện có và đặc điểm địa bàn, quy mô dân số...của địa phương để có quy định về số lượng cho phù hợp, đảm bảo Ủy ban bầu cử ở xã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tương tự như vậy, tại Khoản 1, Điều 25 được sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật quy định Tổ bầu cử có từ 11-21 thành viên, không tăng so với Luật hiện hành. Đại biểu cũng đề nghị xem xét tăng số lượng thành viên Tổ bầu cử cho phù hợp với điều kiện sắp xếp các đơn vị hành chính hiện nay để đảm bảo đủ nhân lực thực hiện tốt tất cả các nhiệm vụ của Tổ bầu cử từ chuẩn bị đến tổ chức, kiểm tra an ninh, an toàn trước, trong và sau bầu cử...

Tại Khoản 5 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 11 luật hiện hành quy định: “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”. Đại biểu thống nhất việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định khu vực bỏ phiếu, tuy nhiên, đề nghị phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh để đảm bảo cấp xã thực hiện việc phân chia khu vực bỏ phiếu hợp lý, thống nhất, tránh thực hiện tùy nghi. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị rà soát lại và quy định rõ hơn các vấn đề thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, thành phần tham gia, công tác kiểm tra, giám sát... của Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác bầu cử. Vì lần bầu cử này diễn ra trong điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, lại có áp dụng nhiều giải pháp, cách thức mới như vừa lấy phiếu trực tiếp, trực tuyến, các hình thức áp dụng công nghệ...nên cần có quy định rõ và tăng cường trách nhiệm của cấp xã cũng như cơ chế giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo công tác bầu cử diễn ra đúng quy định và kết quả bầu cử được chính xác, minh bạch.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN