Cẩn thận khi sử dụng nước đá

27/05/2016 - 06:24

Nhiều người thường không sử dụng găng tay khi múc nước đá viên.

Nước đá sử dụng kèm với thức uống đã trở nên phổ biến đối với mọi người, nhất là trong mùa nắng nóng. Tuy vậy, mọi người cần hết sức cẩn thận khi sử dụng nước đá. Hiện nay, các cơ sở sản xuất nước đá (SXNĐ) ở 8 huyện và thành phố được quản lý chặt chẽ về quy trình SXNĐ.

Nước đá thành phẩm được sản xuất chủ yếu 2 loại đá cây và đá viên. Nguồn nước sản xuất (nước nguyên liệu) là nước mặt hoặc nước ngầm. Đối với nước ngầm, được xét nghiệm chặt chẽ để biết có bị nhiễm hay không đối với các chất: asen, cadimi, nitrat, crom, sunfat, xyanua, chì… Asen (thạch tín) gây ung thư da, ung thư phổi; cadimi gây bệnh thận; crom ảnh hưởng xấu tới gan; chì gây tổn thương não... Còn nước mặt (sông, kênh, rạch…) thì hiện nay đang bị ô nhiễm do chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất thải của các nhà máy… Do đó, khi sử dụng 2 loại nước này, các doanh nghiệp, các công ty, các cơ sở SXNĐ luôn sử dụng tia cực tím hoặc thuốc Chlorine để diệt khuẩn, diệt vi trùng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 57 cơ sở SXNĐ, trong đó có 54 cơ sở được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bến Tre (Sở Y tế) cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để hoạt động. Bà Cao Thanh Diễm Thúy - Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bến Tre cho biết, các cơ sở này SXNĐ đúng theo quy chuẩn QCVN 10:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền. Đối với quy chuẩn này, các cơ sở SXNĐ phải tuân thủ nghiêm việc xử lý nguồn nước nguyên liệu. Nguồn nước nguyên liệu không được nhiễm Escherichia Coli (viết tắt là E.coli - hay còn gọi là vi khuẩn đại tràng, gây tiêu chảy cấp rất nguy hiểm đến sức khỏe con người) và nhất là Pseudomonas aeruginosa (còn gọi là trực khuẩn mủ xanh, thường xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu dẫn đến chết người). Nước đá nếu bị nhiễm 2 loại khuẩn này hay bị nhiễm những tạp chất khác thì gọi là nước đá bẩn. Do đó, chi cục kiểm tra rất gắt gao về vấn đề này, hiện đã xử phạt 4 cơ sở SXNĐ không đảm bảo vệ sinh.

Ông Phan Trùng Dương - Giám đốc Công ty TNHH Minh Trung (Mỏ Cày Nam) cho biết: “Hiện tại, công ty chúng tôi có 2 hầm SXNĐ theo công nghệ mới, chỉ 16 - 17 tiếng đồng hồ là sản xuất ra khoảng 1.000 cây nước đá (tương đương với 52 tấn nước đá). Trước đây, phải mất 24 tiếng đồng hồ mới cho nước đá cây thành phẩm. Theo công nghệ mới, công ty làm lạnh bằng hệ thống PLC rất dễ dàng điều chỉnh. Các khuôn lập phương SXNĐ, công ty sử dụng thép 304 không gỉ, hợp kim nhôm hoặc chất liệu PE để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

“Để có nước đá an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi làm theo quy trình: nước nguyên liệu  lắng cặn bằng phèn chua  lọc cát  lọc hạt nhựa để mềm nước  tiệt trùng nước bằng thuốc Chlorine  xử lý nước bằng công nghệ RO (thẩm thấu ngược) cho ra nước tinh khiết nhất  cho nước vào khuôn đông đá  sau khoảng 16 - 17 giờ đưa nước đá thành phẩm ra thị trường” - ông Dương cho biết thêm.

Theo bác sĩ Võ Hồng Khanh - Phó Giám đốc Sở Y tế, mọi người cần cẩn thận khi sử dụng nước đá. Hiện nay, có nhiều cơ sở SXNĐ không đóng gói, không có bao bì, nhãn hiệu khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, không bảo đảm an toàn vệ sinh đúng theo QCVN 10:2011/BYT, vẫn còn người bốc nước đá không dùng găng tay.

“Uống nước đá phải đúng cách; không nên uống nước quá lạnh vì dễ khiến niêm mạc trong dạ dày và ruột bị thiếu máu, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy. Khi vừa đi ngoài nắng về, khát nước, không nên uống ngay nhiều nước đá vì dễ gây viêm họng, cảm. Các đối tượng cần hạn chế uống nước đá là trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi; phụ nữ đang mang thai và người già vì dễ rối loạn tiêu hóa; người bị loét dạ dày cấp tính, viêm đường ruột cấp tính vì dễ bị giảm tiêu hóa” - bác sĩ Võ Hồng Khanh khuyến cáo.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN