BDK.VN - Hiện nay, thông tin về tội phạm, đặc biệt là bắt cóc, lừa đảo... lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều cá nhân, hội, nhóm khi thấy những thông tin trên đã chia sẻ lên trang Facebook của mình không chỉ nhằm mục đích cảnh giác cho người khác mà còn nhằm câu like, tăng lượt xem hoặc do đối tượng chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật.
Cẩn thận việc đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan đến xe ô tô bắt cóc trẻ em.
Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng chính xác, việc chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng một cách tràn lan gây hoang mang trong dư luận và làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng đến người khác sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Đã có nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về bắt cóc trên mạng xã hội bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Công an huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang củng cố hồ sơ để xử lý chị N. về hành vi đăng tải hình ảnh một ô tô lên mạng xã hội Facebook kèm theo nội dung: “Xe bắt cóc nè, giờ tới Ea Súp mình rồi, mọi người cẩn thận nhé, đừng lại gần. Mọi người cảnh giác nhé...” vào chiều 12-2-2025.
Qua xác minh được biết, chị N. tự ý chụp hình xe người khác rồi đăng tải hình ảnh kèm bài viết về việc xe bắt cóc lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Tại cơ quan công an, chị N. đã thừa nhận hành trên là sai, do thiếu hiểu biết nên tự đăng tải thông tin; đồng thời đã gỡ bỏ bài viết, đăng tin đính chính trên tài khoản Facebook cá nhân xin lỗi chủ xe và mọi người.
Cảnh giác là cần thiết, nhưng qua vụ việc trên, Công an tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, khách quan khi tiếp cận các thông tin, nhất là các thông tin trên mạng xã hội, tránh bị dẫn dắt bởi các thông tin xấu, độc.
Khi sử dụng mạng xã hội cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, kiểm tra nguồn tin trước khi đăng tải, chỉ tin tưởng thông tin từ cơ quan chức năng, báo chí chính thống. Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, hoang mang trong dư luận. Đồng thời, báo ngay cho cơ quan chức năng nếu có nghi vấn về sự việc để tiến hành xác minh xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc thì bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức.