Cần tự chủ trước Pokemon Go

09/09/2016 - 07:11

Người chơi “dán mắt” vào màn hình điện thoại di động để tìm bắt thú ảo.

Trò chơi Pokemon Go thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể đi bắt thú ảo bất cứ lúc nào.

Chơi nhưng không “nghiện”

Chúng tôi có buổi thực địa tại công viên tượng đài Đồng Khởi vào một tối cuối tuần. Sau 21 giờ, cơn mưa nặng hạt kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa dứt hẳn nhưng thật bất ngờ khi tại đây, không ít người vẫn tụ tập, bàn tán xôn xao. Mỗi người một chiếc điện thoại, họ liên tục di chuyển, liên tục vuốt màn hình. Đây là dấu hiệu dễ dàng nhận biết những người này đang chơi Pokemon Go.

Anh Thanh Sang - công nhân Khu công nghiệp Giao Long cho biết, Pokemon Go là trò chơi thực tế ảo mà người chơi phải bật chức năng định vị GPS (hệ thống định vị toàn cầu) trên điện thoại để tìm Pokemon. Di chuyển quanh khu vực chơi, người chơi sẽ phát hiện những con thú ảo xuất hiện trong khung cảnh thực (nhìn qua màn hình điện thoại). Khi phát hiện Pokemon, người chơi sẽ hướng điện thoại về phía đó và “thu phục” thú ảo. Càng di chuyển nhiều, đi đến nhiều địa điểm khác nhau thì càng bắt được nhiều Pokemon. Đây cũng chính là điểm thu hút của trò chơi Pokemon Go, vì vậy trò chơi cũng có tác dụng giúp mọi người giải trí sau giờ làm việc hay những ngày cuối tuần. “Tuy nhiên, người chơi đang lạm dụng trò chơi này ở bất kể đâu và bất kể thời gian nào. Pokemon Go được xem là trò chơi ảo nhưng nguy cơ xảy ra tai nạn là thật. Vì vậy, có thể chơi chứ không thể nghiện” - anh Sang nói.

Là người chơi từ những ngày đầu Pokemon Go mới du nhập vào Việt Nam, Hoàng An - nhân viên nhà hàng cho biết chỉ chơi vào những giờ nghỉ, hay thứ Bảy, Chủ nhật còn giờ hành chính và ngày thường ít khi chơi. “Tham gia trò chơi này cũng hay, mình có thể thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc, nhưng em sẽ không để nghiện” - An nói.

Dọc tuyến đường Hùng Vương, công viên tượng đài Hoàng Lam cặp bờ sông Bến Tre cũng là một trong những địa điểm yêu thích của người chơi Pokemon Go. Em Đăng Khôi, học sinh lớp 9, chia sẻ: “Lúc trước em cũng thường tranh thủ những ngày nghỉ đi bắt thú ảo nhưng hiện nay vì giờ học đã kín cả ngày nên em gần như không chơi nữa”.

“Bản thân em cũng là một người chơi Pokemon Go. Dù mới chơi nhưng em thấy có một số con Pokemon lại được thả ở những nơi nhạy cảm như: chùa, nhà thờ hay những khu vực an ninh, quốc phòng. Do vậy, để bắt được thú, buộc người chơi phải tiếp cận những điểm đó, trong khi đây lại là những khu vực cấm, vậy là vô tình mình vi phạm pháp luật” - Châu Duy, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Bến Tre chia sẻ. Còn Phạm Thanh Thế, học sinh lớp 11 tâm sự: “Khi trò chơi mới du nhập vào Việt Nam, vì tò mò nên lớp em cũng tải game về chơi. Nhưng khi nghe mọi người bảo nhau game chưa có bản quyền, dễ làm hỏng máy, lại dễ bị đánh đánh cắp thông tin cá nhân nên tụi em đã gỡ và không tham gia trò chơi này nữa”.

Cảnh báo từ ngành chức năng

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định: Khi tham gia trò chơi Pokemon Go, người chơi sẽ mất nhiều thời gian hơn so với chơi game online hay chơi mạng xã hội facebook. Như vậy, đối với học sinh, nếu “nghiện” trò chơi này sẽ khiến các em chểnh mảng việc học hành; cán bộ, công nhân, viên chức sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, do mải miết tìm thú nên người chơi vô tình xâm nhập vào khu vực cấm, nguy hiểm hơn, người chơi còn có thể bị tai nạn khi cố bắt Pokemon hiếm trên đường hay những nơi nhạy cảm.

Trên cơ sở khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở khuyến cáo người chơi cần lưu ý: do game Pokemon Go chưa được cấp phép tại Việt Nam nên khi chơi, nếu lỡ xảy ra những vấn đề có liên quan đến bản thân, sẽ không được pháp luật bảo hộ. Không nên sử dụng máy có sử dụng thông tin cá nhân tránh trường hợp bị những đối tượng xấu xâm nhập lấy thông tin để trục lợi. Công chức, viên chức không được chơi game Pokemon Go trong khu vực làm việc của cơ quan và các vị trí về an ninh, quốc phòng.

Riêng đối với học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của trò chơi Pokemon Go đến học sinh, ngành đã chỉ đạo các trường học, các cơ sở giáo dục chú ý nhắc nhở, giáo dục học sinh về mặt trái của các trò chơi trực tuyến cũng như trò chơi Pokemon Go. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục có văn bản nhắc nhở, trong đó sẽ thực hiện nghiêm quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại di động khi đi học. Triển khai trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm để gia đình nhắc nhở, giám sát con em trong việc sử dụng điện thoại di động. Ngoài ra, các trường học, cơ sở giáo dục cần tổ chức các hoạt động, các sân chơi lành mạnh khác cho học sinh.

Bài, ảnh: P. Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN