Căng thẳng tại Trung Đông đẩy giá dầu vọt lên ngưỡng cao nhất trong 7 năm

18/01/2022 - 11:06

Giá dầu trong phiên giao dịch sáng ngày 18-1-2022 đã lên mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây, do lo ngại về khả năng đứt gãy nguồn cung sau vụ phiến quân Houthi ở Yemen tấn công cơ sở dầu mỏ Mussafah thuộc Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Dầu thô duy trì đà tăng giá mạnh ngay trong đầu năm 2022, do những căng thẳng về địa chính trị cùng với triển vọng nguồn cung khan hiếm. Ảnh: Reuters

Dầu thô duy trì đà tăng giá mạnh ngay trong đầu năm 2022, do những căng thẳng về địa chính trị cùng với triển vọng nguồn cung khan hiếm. Ảnh: Reuters

Giá dầu Brent Biển Bắc chạm mốc 87,54 USD/thùng trong sáng ngày 18-1, tăng 1,06 USD/thùng, tương đương mức tăng 1,2% so với phiên đóng cửa trước đó. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ ngày 30-10-2014 – thời điểm dầu Brent được giao dịch ở mức giá 87 USD/thùng.

Dầu WTI lúc 10h15 sáng ngày 18-1 (giờ Hà Nội) cũng tăng lên mức 84,52 USD/thùng, tăng 1,46 USD so với phiên đóng cửa ngày 17-1, tương ứng với mức tăng 1,48%.

Giá dầu tăng sau khi xuất hiện dấu hiệu bất ổn ở Trung Đông. Sau khi mở các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào các sân bay và cơ sở dầu mỏ ở UAE làm cháy ba xe bồn chở dầu, khiến ba công nhân làm việc cho tập đoàn dầu khí ADNOC của UAE thiệt mạng, phiến quân Houthi cảnh báo sẽ tiến hành tấn công nhiều mục tiêu quan trọng ở UAE nếu nước này có hành động làm leo thang quân sự ở Yemen.

Về phần mình, ADNOC tuyên bố đã kích hoạt các kế hoạch sản xuất kinh doanh để bảo đảm nguồn cung cho khách hàng không bị gián đoạn. Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công nhằm vào các khu vực và cơ sở dân sự trên lãnh thổ UAE, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả. UAE cũng tuyên bố bảo lưu quyền ứng phó với những mối đe dọa từ Houthi.

Giới phân tích nhận định giá dầu sẽ tiếp tục đà tăng. Ngoài yếu tố bất ổn ở Trung Đông, thời tiết giá lạnh tại các nước bắc bán cầu cũng làm tăng nhu cầu nhiên liệu để sưởi ấm. Cùng lúc, căng thẳng về cung-cầu dầu mỏ chưa thể sớm được giải quyết, khi nhiều nước thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) chưa thể đưa sản lượng lên mức cho phép, do tình trạng đầu tư dưới chuẩn đối với ngành dầu khí trong vài năm trở lại đây.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN