Cánh đồng màu Châu Hưng

12/08/2012 - 16:34
Cây ớt trên cánh đồng màu Châu Hưng.

Năm 2005, để tạo bước đột phá về kinh tế cho các xã thuộc tiểu vùng I (các xã thuần nông từ Long Hòa đến Vang Quới Tây), Huyện ủy Bình Đại đã ban hành Nghị quyết thực hiện mô hình kinh tế đạt “50 triệu đồng/ha/năm”.

Việc cải tạo đồng ruộng, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, các mô hình tổ hợp tác, sản xuất theo hướng chất lượng cao, các mô hình nuôi xen, trồng xen… được các xã đẩy mạnh nhằm tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất. Các xã: Thới Lai, Long Hòa, Long Định, Châu Hưng và Phú Thuận thì chọn hình thức luân canh, xen canh trên cánh đồng gắn với phong trào “Đưa cây màu xuống ruộng”. Hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan…

Anh Trần Minh Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hưng khẳng định: Nghị quyết Huyện ủy như một luồng gió mới, thật sự tạo chuyển biến mạnh mẽ để phá thế độc canh cây lúa trên các cánh đồng thuộc các xã tiểu vùng I. Việc “Đưa cây màu xuống ruộng” ở xã Châu Hưng đã thật sự mang lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Hơn thế, phong trào này đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

Vùng đất Châu Hưng cao ráo, mùa mưa không bị ngập nước. Đây là lợi thế để bà con nông dân tận dụng vụ Hè Thu trồng màu - là vụ chính (anh Hoàng lý giải rằng: mùa mưa, các vùng đất trũng sẽ không trồng cây màu được. Khi đó, bà con bán hoa màu sẽ có giá rất cao). Ba loại cây màu chính là ớt, cà chua, dưa leo, chỉ có ở Châu Hưng, bởi nó rất thích nghi và đầu ra ổn định. Hàng năm, bà con nông dân trồng luân canh trên diện tích gần 100ha, tập trung ở các ấp Hưng Thạnh (13,5ha), Hưng Nhơn (10ha), Tân Hưng (5ha)… Vụ Hè Thu năm nay, cây ớt và cà chua đang có giá khá cao (ớt có giá 26.000 đồng/kg; cà chua 6.000 đồng/kg), bà con có lợi nhuận. Tại ấp Tân Hưng, anh Lư Hồng Phương - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau màu an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, cho biết: Ngay từ đầu vụ (khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch), ớt có giá 42.000 đồng/kg. Hiện tại, với giá 26.000 đồng/kg, bà con cũng rất phấn khởi. Anh Phương cho biết thêm, anh có gần 1ha đất trồng ớt, đang thu hoạch rộ khoảng 3 công, năng suất đạt hơn 1 tấn. Thu nhập gần 30 triệu đồng. Tổ của anh có 10 hộ tham gia. Với diện tích 3ha (trong đó, có khoảng 2ha trồng ớt). Theo tính toán của anh, một ký ớt bà con đầu tư khoảng 12.000 đồng (giống, phân bón, thuốc, công hái). Như vậy, với giá hiện tại, bà con lãi gấp đôi. Bình quân một công đất trồng ớt cho thu hoạch từ 1-1,2 tấn (ớt trồng 4 tháng cho thu hoạch), với giá 26.000 đồng/kg, như vậy bà con thu nhập gần 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi hơn 10 triệu đồng/công. Hiện toàn xã có gần 34ha trồng màu thì có khoảng 30ha trồng ớt, còn lại là cà chua và dưa leo. Nhờ trồng màu mà nhiều hộ nghèo, không có đất sản xuất trước đây, sau khi thuê đất sản xuất đã ổn định cuộc sống, nhiều hộ còn tích lũy, mua đất để canh tác màu. Hộ anh Huỳnh Long Triều, Lê Thanh Long - ấp Hưng Nhơn có 4 công đất trồng ớt, đã thoát nghèo. Hộ anh Nguyễn Thanh Liêm - ấp Hưng Chánh cũng thoát nghèo. Trong tổ của anh Phương, đã có 3/6 hộ được thoát nghèo như hộ anh Trần Minh Trung, Trần Công Thanh, Trần Quốc Đạt (không có đất sản xuất, Tổ đứng ra thuê mướn dùm).

Vào mùa thu hoạch ớt, cánh đồng màu của xã khá nhộn nhịp, số lao động nhàn rỗi tham gia thu hoạch ớt rất đông, tiền công bình quân một ngày thu nhập được 90.000 đồng. Anh Hoàng nhận xét: Cánh đồng màu đã tạo nhiều việc làm cho số lao động nhàn rỗi tại địa phương (ngoài hái ớt, còn tham gia thu hoạch cà chua, dưa leo). Để cây màu tiếp tục phát triển bền vững trên cánh đồng Châu Hưng, hàng năm, địa phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở thường xuyên các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, đưa giống mới cho bà con, tranh thủ nhiều nguồn, dự án để đầu tư cho bà con trồng màu (Dự án DBRP tỉnh hỗ trợ một tổ hợp tác sản xuất rau an toàn). Công tác thủy lợi nội đồng luôn được cải tạo để đảm bảo cho công tác tưới tiêu. Trong năm 2012, cùng với địa phương, bà con trong xã ra quân nạo vét nhiều tuyến kênh nội đồng như kênh Mười Mềm, Ba Đen, Ba Thanh, Bầu Giá (tổng chiều dài 4km), phía tỉnh và huyện hỗ trợ vốn nạo vét tuyến kênh Nổi, Ba Địa, Thịt Heo, rạch Cá Trê, với tổng chiều dài 10km. Anh Trần Minh Hoàng khẳng định, từ khi hệ thống cống đập Ba Lai khép kín và đi vào hoạt động, cánh đồng xã Châu Hưng có nhiều thuận lợi: đất được cải tạo, đảm bảo nước tưới tiêu, không còn bị xâm nhập mặn… giúp bà con trong xã canh tác cả lúa (3 vụ ăn chắc) và trồng màu.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN