Tính đến ngày 22-4-2012, diện tích tôm biển nuôi ở ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú bị thiệt hại là 397ha, chiếm 18% diện tích thả nuôi. Bình Đại là huyện có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nhiều nhất 247,2/785,61ha thả nuôi thâm canh (tôm sú 151,3ha, tôm chân trắng 95,9ha). Tôm nuôi bị bệnh có biểu hiện kéo đàn, bỏ ăn, tấp vào mé bờ chết, gan teo hoặc sưng, vỏ tôm có đốm trắng, đỏ thân, hoại tử (đục thân ở tôm chân trắng); tôm chết ở đáy ao nhiều hơn ven bờ. Hiện toàn huyện, còn 3.000ha đất đã chuẩn bị sẵn sàng và chờ tình hình tôm chết lắng dịu sẽ thả tôm giống nuôi.
Trước tình hình trên, chiều 23-4-2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bình Đại, các ngành hữu quan để tìm giải pháp khắc phục.
Các thành viên trong Ban Chỉ đạo vụ nuôi thủy sản huyện Bình Đại cho biết, hộ nuôi tôm ở xã Định Trung xử lý ao nuôi tốt, hóa chất xử lý chủ yếu là chlorine và diện tích vườn dừa còn nhiều nên tôm thả nuôi bị thiệt hại ít 12,6/154,47ha. Vấn đề quan tâm nữa là nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, tôm thả nuôi mật độ cao (tôm sú từ 40-50 con/m2, tôm chân trắng 80-100 con/m2), trong khi đó hộ nuôi ít cho chạy quạt vào buổi trưa để tiết kiệm chi phí dầu dẫn đến thiếu ôxy. Lãnh đạo các xã đề xuất tỉnh nâng mức hỗ trợ chlorine từ 50% lên 100% để hộ dân có điều kiện xử lý triệt để mầm bệnh. Hiện tôm nuôi bị thiệt hại rải rác, chưa cần thiết phải công bố dịch bệnh, thay vào đó tìm nguyên nhân tôm chết do quy trình xử lý chưa đảm bảo hay con giống có chất lượng kém.
Ông Nguyễn Xuân Quang Tuyến - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến tôm bị chết. Đó là bệnh đốm trắng; tôm mắc bệnh về gan tụy và do cách chăm sóc, quản lý tôm nuôi không phù hợp.
Sở NN&PTNT khuyến cáo hộ dân ở các xã Phú Long, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Phước, Bình Thắng (Bình Đại), Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận (Ba Tri) tạm ngưng thả con giống nuôi vào thời điểm hiện nay; thường xuyên theo dõi thông tin về điều kiện môi trường, thời tiết, kết quả quan trắc môi trường khi thật sự ổn định mới tiếp tục thả con giống. Ao nuôi bị bệnh đốm trắng và gan tụy phải xử lý đúng quy trình kỹ thuật và đảm bảo thời gian trước khi tiến hành thả nuôi trở lại. Tôm chân trắng giống chọn nuôi phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kích cỡ Postlarvae 12 trở lên, mật độ thả nuôi phù hợp theo điều kiện đầu tư và kinh nghiệm của người nuôi. Tôm sú giống chọn mua phải được kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kích cỡ 15 Postlarvae, mật độ thả nuôi phù hợp nhất từ 25 - 30 con/m2. Sau khi chọn con giống bằng phương pháp cảm quan để xác định con giống khỏe mạnh, người nuôi nên đem con giống kiểm tra bằng phương pháp PCR để xác định tôm không bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Trước khi thả con giống, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi cho phù hợp, thời gian thả giống thích hợp nhất là lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh gây sốc tôm nuôi. Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, người nuôi không tự ý xả nước thải, xác tôm chết ra môi trường tự nhiên, báo ngay với Ban quản lý vùng nuôi để được hướng dẫn cách ly, tiêu hủy tránh để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Ông Lê Phong Hải – Giám đốc Sở NN&PTNT kết luận: Đầu vụ nuôi, do ảnh hưởng thời tiết, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn nhiều trong ao nuôi, chất lượng tôm giống không đồng đều, là những nguyên nhân chính gây tình trạng tôm chết hiện nay. Ngoài ra, do sự phối hợp của các ngành chưa nhịp nhàng, còn chồng chéo trong quản lý môi trường nuôi, một số nơi hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức, ý thức hộ nuôi chưa cao, tôm chết không hợp tác xử lý và tự xả chất thải ra môi trường, Ban Quản lý vùng nuôi đã thành lập nhưng hoạt động chưa đều. Công tác quản lý của ngành, địa phương có nơi chưa chặt, chưa mạnh dạn xử lý sai phạm. Đối với Bình Đại, tiến độ thả con giống chậm và tỷ lệ tôm bị chết cao hơn so với vụ nuôi năm 2011. Quan điểm của Sở là không để hộ dân bỏ trống ao nuôi nhưng chỉ thả con giống khi tình hình dịch bệnh lắng dịu để đảm bảo hiệu quả cho vụ nuôi. Hướng tới, Sở đề xuất UBND tỉnh công bố vùng có dịch đối với những nơi diện tích nuôi bị thiệt hại từ 30% trở lên và có văn bản tạm ngưng thả con giống ở vùng có tôm chết, vùng có nguy cơ dịch. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Chi cục Nuôi trồng thủy sản thông tin chính thức nguyên nhân dịch bệnh và biện pháp phòng trừ để tạo tâm lý an tâm cho hộ nuôi. Cần phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức hộ nuôi trong phòng trừ dịch bệnh. Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc quản lý chặt và kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng con giống, tiến đến cấp mã số, cấp thẻ để quản lý. Đội công tác liên ngành tiếp tục củng cố, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp sai phạm khi nhập con giống vào tỉnh. Phòng NN&PTNT các huyện rà soát hệ thống kênh mương nội đồng và đề xuất đầu tư những công trình bức xúc để đảm bảo phục vụ vùng nuôi trong quy hoạch. Ban quản lý vùng nuôi các xã duy trì cuộc họp lệ kỳ để kịp thời nắm tình hình và phối hợp hỗ trợ hộ dân xử lý ao tôm nuôi bị dịch bệnh. Sở sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm hóa chất để phục vụ cho công tác xử lý, dập dịch bệnh ở các huyện.