Cảnh giác với chất lượng đồ chơi cho trẻ em

26/10/2015 - 07:07

Đồ chơi trẻ em phong phú.

Đồ chơi trẻ em từ lâu đã trở thành mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Đối với trẻ, đồ chơi có ảnh hưởng trong quá trình phát triển cơ thể và trí tuệ, trẻ được sử dụng đồ chơi phù hợp sẽ có kỹ năng khéo léo, tăng cường khả năng sáng tạo. 

Bên cạnh những đồ chơi phù hợp với trẻ theo lứa tuổi, bảo đảm an toàn cho trẻ khi sử dụng thì thị trường đồ chơi trẻ em vẫn có nhiều mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp và thiếu tính giáo dục, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Trong khi đó, nhận thức của một số nhà kinh doanh và các bậc phụ huynh về chất lượng, an toàn của đồ chơi trẻ em còn nhiều hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, đồ chơi trẻ em được bày bán riêng lẻ hoặc xen lẫn với các mặt hàng khác trong các cửa hàng văn phòng phẩm, tạp hóa... với mẫu mã vô cùng phong phú, bắt mắt. Tuy nhiên, về chất lượng thì người bán hàng vẫn chưa khẳng định được do phần lớn là hàng nhập khẩu, không có hồ sơ chất lượng (hồ sơ công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật QCVN 3:2009/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em).

Theo báo cáo của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trong đợt kiểm tra đồ chơi trẻ em phục vụ Tết Trung thu năm 2015, có khoảng 80% số mẫu được kiểm tra ghi nhãn thiếu thông tin, không có nhãn hoặc nhãn phụ tiếng Việt (đối với hàng nhập khẩu); 75% không có dấu hợp quy CR.

Thời gian qua, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng đã cảnh báo một số loại đồ chơi trẻ em như búp bê đầu trái cây, chút chít hình con vịt hoặc bóng nhựa bơm hơi có gai… có chứa chất Pthalates vượt mức quy định. Đây là chất có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ hóc-môn của cơ thể. Đối với loại máy kể chuyện thông minh có khả năng kể chuyện, hát, đọc thơ với nhiều mẫu mã: hình quả táo, chú mèo thông minh, mèo Doraemon… thì một số trong các loại này phát ra những câu chuyện với những ngôn từ không phù hợp với trẻ em, không mang tính giáo dục. Ở lứa tuổi của trẻ, khi phải nghe các ngôn từ bạo lực, có tính chất kích động là điều hết sức nguy hại, có thể ảnh hưởng đến nhận thức, sự hình thành tư duy và cả nhân cách sau này của trẻ.

Vì vậy, các bậc cha mẹ hay bộ phận làm công tác giáo dục mầm non khi chọn lựa đồ chơi cho trẻ cần cân nhắc về mặt chất lượng và sự phù hợp với trẻ, tránh mua các loại đồ chơi không có nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, đồ chơi không có dấu CR. Việc bảo đảm an toàn đồ chơi trẻ em, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho trẻ vừa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, của các cơ quan chức năng có liên quan, vừa là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bài, ảnh: Kim Chi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN