Cảnh giác với những cú lừa trên mạng viễn thông

20/07/2011 - 07:56

Trong thời đại bùng nổ thông tin, điện thoại để bàn và di động thật sự trở thành phương tiện hữu ích. Gần như mọi lúc, mọi nơi và vượt qua mọi trở ngại về điều kiện địa lý, con người vẫn có thể kết nối, thông tin cho nhau. Thế nhưng gần đây, không ít kẻ xấu đã lợi dụng phương tiện này để đưa ra nhiều chiêu thức, thông qua tin nhắn, gọi trực tiếp nhằm lừa đảo, gây không ít phiền hà cho khách hàng... viễn thông.

Ăn cơm trưa xong anh Đ, ở huyện Châu Thành lên võng nằm nghe chương trình ca cổ được vài phút; chuông điện thoại bàn reo, anh ngồi dậy nhấc máy, liền nghe giọng nói nhỏ nhẹ và lịch sự “chào anh, em là nhân viên của Viễn thông Bến Tre, xin chúc mừng số điện thoại bàn 07538xxx của anh đã trúng phần thưởng trị giá 145 triệu đồng”. Nghe đến đây, anh Đ rất vui mừng. Người tự xưng là nhân viên của viễn thông đề nghị anh Đ chuyển trước 10% tương ứng với giá trị phần thưởng, sau đó sẽ có người đem quà thưởng đến giao tận nhà; địa điểm nhận tiền sẽ thông báo sau. Để kiểm chứng thông tin, anh Đ liền điện thoại đến phòng chăm sóc khách hàng của Viễn thông Bến Tre và phát hiện chiêu thức của đối tượng lừa đảo.

Rất nhiều điểm mua bán sim card không đảm bảo quy định Ảnh: PV

 

Anh Th ở Ba Tri nhận cuộc điện thoại báo trúng thưởng. Đối tượng lừa đảo đề nghị người trúng thưởng ra Hà Nội để nhận giải thưởng trị giá 145 triệu đồng. Nếu Th không tiện đi lại thì gởi trước cước phí 10% vào tài khoản và đơn vị phát thưởng sẽ gởi quà đến tận nhà. Là người dân chân lấm tay bùn, cả ngày bên đồng ruộng, bỗng dưng có được số tiền lớn, anh Th rất vui mừng bàn bạc với vợ và đi đến thống nhất mượn tiền của người thân để chuyển vào tài khoản đúng như hướng dẫn. Tiền đã chuyển xong, quà đâu không thấy, sốt ruột, anh Th gọi lại số điện thoại của người báo trúng thưởng thì nhận được giọng nói của nhân viên tổng đài “thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Một lần, hai lần… anh Th vẫn nhận được câu trả lời như thế. Anh Th đến phòng chăm sóc khách hàng của viễn thông tìm hiểu sự việc mới té ngửa mình đã trúng kế kẻ lừa đảo.

Trong không khí tất bật chuẩn bị đón xuân Tân Mão năm 2011, chuông điện thoại báo tin nhắn, chị K ở TP. Bến Tre mở xem, với nội dung “Chuc mung nam moi! Chuc mung ban da trung Iphone 4 32GB trong chuong trinh MUNG XUAN TAN MAO 2011. *Lien he: 0924496xxx (8h-19h). Het han: 3-2-2011. Nguoi gui: + 0924496xxx”. Đọc lướt nội dung tin nhắn, chị K liền bấm phím máy di động để gọi số đã cho và nhận được câu trả lời: Đây là chương trình trúng thưởng mừng xuân Tân Mão 2011 của chúng tôi, xin chị vui lòng 1 giờ sau gọi lại. Đúng 1 giờ sau, chị K bấm số gọi, chủ số máy hỏi chi tiết tên họ, địa chỉ chị K và cho biết sẽ thông báo ngày, cách thức và nơi nhận thưởng. Chị K chờ nhưng không thấy người gởi tin nhắn gọi lại; tuy không bị lừa lấy tiền nhưng chị K đã mất tiền chi phí các cuộc gọi một cách vô ích. 

Ông Nguyễn Văn Phi - Phó Giám đốc kinh doanh, Trung tâm Viễn thông thành phố Bến Tre cho biết, đã có nhiều trường hợp khách hàng đến phản ánh trực tiếp nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn với nội dung lừa đảo. Đối tượng lừa đảo thường tung ra chiêu thức mới nhằm vào sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng, nhất là khách hàng ở vùng nông thôn. Khách hàng nhận tin nhắn, có người bạn thân gởi tặng món quà nếu đồng ý nhận bấm theo cú pháp xxxxx; người nhận tin nhắn làm theo, quà nhận không thấy chỉ thấy tốn cước phí 15.000 đồng/tin nhắn. Cuối tháng, khách hàng nhận giấy báo cước phí và cho rằng trung tâm ăn gian tiền, khi nhận bản kê chi tiết mới té ra rằng…

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, nhân viên chăm sóc khách hàng của Chi nhánh Viettel Bến Tre, thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội, mỗi tháng phòng đều nhận phản ánh của khách hàng về những tin nhắn thông báo trúng thưởng. Khách hàng phản ánh, nhận được tin nhắn đã trúng phần thưởng trị giá 150 triệu đồng, đề nghị mua 5 card nạp tiền, mệnh giá 100.000 đồng/card nạp vào số máy 016xxxxxxxx để chi phí chuyển quà. Có trường hợp, đối tượng lừa đảo điện thoại thông báo khách hàng đã trúng thưởng và đề nghị mua 4 card nạp tiền mệnh giá 500.000 đồng/card, sau đó đọc số tài khoản ghi tên card. Bà Lê Thị Thu Hiền khẳng định: Hành vi lừa đảo rất rõ ràng nhưng không ít khách hàng vẫn làm theo để rồi phải bị mất tiền. Khi thực hiện lừa đảo thành công, đối tượng không sử dụng số điện thoại đã gọi nữa. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản quy định, khách hàng mua sim điện thoại di động (số điện thoại) phải trình chứng minh nhân dân kê khai đầy đủ thông tin đăng ký mới thực hiện được cuộc gọi. Thế nhưng, nhiều cửa hàng bán sim điện thoại đã kích hoạt sẵn, với số chứng minh nhân dân ảo (xem số chứng minh nhân dân của cá nhân rồi sử dụng một vài số phía sau không giống) để bán cho khách hàng.

Theo các nhà mạng Mobifone, Vinafone, Viettel, mọi tin nhắn của mạng gởi cho khách hàng đều sử dụng số của tổng đài. Khách hàng tham gia chương trình quay số và được trúng thưởng sẽ được nhân viên của mạng điện thoại đến thông báo. Trường hợp quà trúng giá trị không lớn, nhân viên của mạng trực tiếp đến nhà trao tặng cho khách hàng và không đòi hỏi khoản chi phí nào. Khách hàng trúng thưởng quà giá trị lớn, các chi nhánh tổ chức lễ và mời khách hàng đến nhận trân trọng; được chụp hình ảnh nhận quà để gởi về công ty, tập đoàn. Các nhà mạng cũng đã khuyến cáo, khách hàng nhận thông báo trúng thưởng từ số điện thoại di động của cá nhân đó là đối tượng lừa đảo và đừng nhẹ dạ làm theo để rồi bị sập bẫy.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN