Cảnh giác với “tín dụng đen”

08/11/2017 - 08:30

Theo ngành công an, hiện toàn tỉnh có khoảng 160 đối tượng có dấu hiệu hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Công an cũng đã thụ lý 20 vụ vỡ nợ; khởi tố 2 vụ án, 13 bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích.

Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại các địa phương như: gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… Nhiều đối tượng hình sự cộm cán, có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, ma túy… tụ tập thành băng nhóm để xiết nợ, đòi nợ thuê. Một số đối tượng sử dụng hung khí để đe dọa, đánh đập, khủng bố tinh thần, thậm chí gây thương tích cho người vay. Trong khi đó, người dân thường chủ quan, giấu giếm, thỏa thuận vay bằng miệng, không có giấy tờ chứng minh, sổ sách ghi chép, lưu giữ không rõ ràng. Do vậy, các đối tượng cho vay lợi dụng sơ hở đó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã và đang ngang nhiên  hoành hành, nhất là ở vùng nông thôn, trong khi hiện nay hệ thống ngân hàng trong toàn tỉnh đã phủ khắp. Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre Lê Công Thành cho biết, một số trường hợp các công ty tài chính là đơn vị trực thuộc của một số ngân hàng ngoài tỉnh nhưng không có chi nhánh, văn phòng đại diện ở Bến Tre, chỉ sử dụng mạng lưới cộng tác viên để đi tiếp thị cho vay.

Đối tượng họ nhắm tới là các hộ dân đã có vay ngân hàng nhưng đến đáo hạn không trả nổi hoặc không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu khi vay như sử dụng đồng vốn chưa rõ, phương án sản xuất, kinh doanh không khả thi nên bị ngân hàng từ chối. Các hộ này dễ bị lừa là vay không cần thế chấp, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện… người vay chỉ cần đến bưu điện nhận tiền hoặc ra quán cà phê thì có tiền ngay. Chính vì vậy, nhiều hộ vay thoải mái nhưng đến nhận tiền rồi mới giật mình bởi lãi suất quá cao, chồng lãi nên không thể trả nổi. Một số ngân hàng lại bán nợ cho các công ty đòi nợ thuê, vậy là cảnh xiết nợ lại xảy ra.

Hiện toàn tỉnh có tới 15 chi nhánh ngân hàng, dư nợ cho vay trên 25 ngàn tỷ đồng, trong đó có tới 60% cho vay vùng nông thôn. Riêng trong tỉnh cũng có 7 quỹ tín dụng nhân dân với nguồn vốn trên 300 tỷ đồng. Ngoài các chi nhánh tại tỉnh, còn có rất nhiều ngân hàng mở phòng giao dịch, điểm cho vay hầu như khắp địa bàn các huyện, thành phố.

Để tháo gỡ khó khăn trên, theo ông Thành, ngoài việc ngân hàng mở rộng địa bàn, đối tượng cho vay thì chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Các xã, phường nên tạo điều kiện tốt hơn để các ngân hàng có điều kiện tiếp cận người dân. Đồng thời, các ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tổ nhân dân tự quản cũng thường xuyên phối hợp khảo sát, nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay của các hộ dân trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, tư vấn và có giải pháp phối hợp xử lý các trường hợp lún nợ của người dân.

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN