Cấp cứu thành công ca nhồi máu cơ tim cấp tại bệnh viện tuyến tỉnh

17/12/2020 - 06:56

BDK.VN - Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu vừa cấp cứu thành công một ca bị nhồi máu cơ tim cấp bằng kỹ thuật can thiệp đặt Stent mạch vành.

BS CKII Lê Mộng Toàn thăm hỏi bệnh nhân sau thủ thuật.

BS CKII Lê Mộng Toàn thăm hỏi bệnh nhân sau thủ thuật.

Trước nhập viện 1 giờ, bệnh nhân Nguyễn Thị B. (70 tuổi) ngụ ấp Tân Điền, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam đau ngực dữ dội ở vùng sau xương ức, tê tay. Đến 16 giờ, ngày 15-12-2020, gia đình đưa bà B. cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong tình trạng bệnh tỉnh, thở dễ, còn đau ngực nhiều, sinh hiệu ổn, nhịp tim 52 lần/phút, huyết áp 120/70mmHg.

Khi tiếp nhận tại cấp cứu, các bác sĩ bệnh viện thăm khám và làm các cận lâm sàng cơ bản, phát hiện men tim bệnh nhân tăng, điện tâm đồ có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp (giờ thứ 2). Bác sĩ tim mạch nhanh chóng hội chẩn với TS Ngô Minh Hùng - Phó Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau hội chẩn, các bác sĩ thống nhất can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trực tiếp thực hiện thủ thuật dưới sự giám sát trực tiếp của TS Ngô Minh Hùng đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện động mạch vành phải bị tắc nghẽn do huyết khối. Sau 30 phút, bác sĩ đã khai thông dòng chảy và đặt stent vào động mạch vành phải, khôi phục lại dòng chảy bình thường cho bệnh nhân.

Sau can thiệp, bệnh nhân ổn, bớt đau ngực; mạch, huyết áp ổn định. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Tim mạch. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong 5-7 ngày tới.

Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, bác sĩ Lê Mộng Toàn - người trực tiếp thực hiện thủ thuật cho biết: Đây là ca cấp cứu đầu tiên bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành thực hiện tại bệnh viện tỉnh. So với ca chương trình thì các ca cấp cứu có tính chất khó khăn hơn, mạch vành có nhiều huyết khối, dễ xảy ra tai biến hơn. Trường hợp này, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp giờ 2 nếu không được can thiệp kịp thời thì cơ tim sẽ bị hoại tử, đưa đến biến chứng gây suy tim hoặc rối loạn nhịp tim, nặng hơn nữa là tử vong.

Trước đây, khi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu chưa triển khai đơn vị can thiệp tim mạch thì những trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim như thế này đều phải chuyển lên tuyến trên để can thiệp cấp cứu vì việc chạy đua với thời gian cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng bệnh nhân. Từ khi đơn vị tim mạch can thiệp của bệnh viện đi vào hoạt động, tháng 10-2020 đến nay, ê-kíp Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 6 đợt chuyển giao kỹ thuật với 43 trường hợp bệnh nhân trong chương trình được chụp và can thiệp thành công tại tuyến tỉnh.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN