Câu lạc bộ Hiệu trưởng trường tiểu học một ý tưởng hay

18/11/2013 - 08:19
Một buổi sinh hoạt của CLB Hiệu trưởng trường tiểu học.

Câu lạc bộ (CLB) là một diễn đàn bổ ích cho hiệu trưởng các trường tiểu học trao đổi, chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, quản lý giáo dục. Đến với CLB, ta mới cảm nhận được vai trò của người đứng đầu một đơn vị thực hiện sự nghiệp “trăm năm trồng người” quả không dễ chút nào!    

Gần 20 mái đầu điểm bạc xen lẫn tóc xanh ngồi đối mặt nhau trong một hội trường nho nhỏ. Cuộc họp mặt của CLB Hiệu trưởng trường tiểu học tại huyện Chợ Lách diễn ra trong không khí vui tươi, thoải mái và thẳng thắn giữa những cán bộ được xem là có thâm niên dạn dày trong ngành giáo dục. Đây là cuộc thảo luận giữa những người thầy “đang đứng trên một chiếc thuyền cùng nhau tìm lối đi hiệu quả để lèo lái đưa những lớp học trò qua sông”.

Thành lập vào tháng 8-2013, đến nay CLB Hiệu trưởng trường tiểu học dành cho hiệu trưởng các trường tiểu học ở Chợ Lách đã sinh hoạt được 2 lần. CLB có 16 thành viên đến từ 16 trường tiểu học trên địa bàn huyện (ngoài ra mỗi buổi họp còn có sự góp mặt của các cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo). Chủ nhiệm của CLB là thầy Nguyễn Văn Nghề - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Chợ Lách.

Mục đích hoạt động của CLB là tổ chức trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, ứng xử, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý cho các hiệu trưởng tiểu học; tạo nền tảng vững chắc, thống nhất trong lãnh đạo, điều hành quản lý giáo dục tiểu học của hiệu trưởng tiểu học trong toàn huyện. Đồng thời, CLB còn là địa chỉ tư vấn cho hiệu trưởng tiểu học về các vấn đề điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ chính trị của nhà trường; thực hiện đầy đủ, đúng đắn các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh; định hướng hoạt động dạy và học ở trường tiểu học có hiệu quả; tạo mối thân thiện đoàn kết, giúp đỡ, sẻ chia kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong công tác giữa những thành viên. Đối tượng của CLB là những hiệu trưởng đương nhiệm và hiệu trưởng nghỉ hưu có tâm huyết với công tác hiệu trưởng của các trường tiểu học trong huyện Chợ Lách. CLB hoạt động với hình thức hội thảo, hội nghị, báo cáo chuyên đề, giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý giáo dục tiểu học trong huyện, ngoài huyện và những nơi có kinh nghiệm tốt.

Trong buổi sinh hoạt lần thứ 2 của CLB, các thành viên đã cùng nhau thảo luận, mổ xẻ xoay quanh ba nội dung: chương trình hội nghị cán bộ công chức đầu năm, vấn đề tuyển dụng viên chức và công tác thi đua ngành giáo dục huyện Chợ Lách.

Năm học này, hầu hết các trường tiểu học ở Chợ Lách đều có tuyển dụng viên chức, tuyển nhiều và làm đúng qui trình, đúng qui định. Một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện lưu ý, hồ sơ phải lưu thật kỹ phòng khi khiếu tố, khiếu nại sau này. Bên cạnh đó, kế hoạch tuyển biên chế trường “đốt cháy giai đoạn” được không hay phải tuân thủ qui trình chung? Vì theo qui trình thì mất thời gian khá lâu đến 2 tháng, việc sắp xếp biên chế, thời khoá biểu của học sinh và giáo viên cũng phải thay đổi, dao động theo. Và bất cứ vào thời điểm nào, trường có giáo viên nghỉ hưu (thiếu biên chế) thì trường tiến hành tuyển dụng giáo viên liền được hay không?...

Một số điểm bất cập, thiếu công bằng, khách quan trong việc chấm các tiêu chí thi đua của Cụm tiểu học giữa các trường cũng được xem xét tỉ mỉ và thảo luận khá sôi nổi. Trong 9 nội dung chấm với tổng số điểm là 950 điểm và 50 điểm thưởng  thì phần cơ sở vật chất là mấu chốt, ảnh hưởng lớn đến số điểm của mỗi trường, vậy những trường nghèo phải chịu thiệt thòi là chuyện đương nhiên. Vì muốn phổ cập giáo dục cũng cần có phòng ốc tổ chức việc dạy và học, bán trú cũng cần phòng, bếp ăn… Một người thầy nói đùa: Nếu chấm theo những tiêu chí này thì trường nghèo “tiêu đời”, suốt đời không ngóc đầu lên nổi, chẳng dám mơ nhận cờ dù tập thể trường đã rất cố gắng, còn trường giàu thì cứ nhận cờ hoài. Vậy làm sao tạo được sự khích lệ đối với những trường khó khăn, làm sao có được sự hòa đồng, công bằng trong thi đua giữa các trường? Vậy nên việc điều chỉnh cách chấm điểm và thang điểm là việc cần thiết. Có ý kiến cho rằng trường nghèo thì khó khăn về mặt cơ sở vật chất còn các tiêu chí kia cũng phải phấn đấu để khi giàu thì đủ điều kiện nhận cờ thi đua.

Đối với vấn đề dạy thêm, học thêm, trường nào có giáo viên vi phạm thì cắt thi đua giáo viên đó và cả cán bộ quản lý nhà trường. Điều này hợp lý không? Một số thành viên nửa đùa, nửa thật: Dạy thêm sẽ đem lại thu nhập cao (còn hơn hiệu trưởng) nên giáo viên chẳng cần đăng ký thi đua, vậy mà cả cán bộ quản lý và trường phải chịu lụy chung, có bất công không? Một nhà giáo lão thành giải thích, thì vậy hiệu trưởng mới phải kềm không để tình trạng dạy thêm sai qui định diễn ra ở trường mình.

Sau một buổi sinh hoạt, một số vấn đề được gút lại và làm văn bản gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để xem xét, đồng thời đưa ra nội dung hoạt động cho lần gặp gỡ sau. Đó là 2 vấn đề nóng sẽ được 2 thành viên tổng hợp tài liệu viết và trình bày tại buổi sinh hoạt lần sau (tại trường tiểu học Vĩnh Thành B) gồm: Hội thảo nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ứng dụng và vấn đề xoay quanh 4 bước thi giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Việc thành lập CLB Hiệu trưởng trường tiểu học là một ý tưởng hay. Đây không chỉ là diễn đàn để sẻ chia, trao đổi thông tin mà còn là nơi sinh ra những văn bản đóng góp ý kiến mang tính phản biện từ những nhà giáo có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Và ích lợi sau cùng đương nhiên dành cho học sinh thân yêu!

Bài, ảnh: THẠCH THẢO

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN