![Cây dừa Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển](http://image.baodongkhoi.vn/news/2012/20120406/fckimage/92046198_6-4-2012-7h45-1b.jpg) |
Tiết mục múa cờ các nước hội nhập trong đêm khai mạc. Ảnh: T.C |
(Ghi nhanh tại Lễ khai mạc Festival Dừa lần III)
Hòa trong không khí cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 122 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, tối qua, tại sân khấu nổi hồ Trúc Giang (TP. Bến Tre), Festival Dừa Bến Tre lần III đã chính thức khai mạc. Dù là lần thứ III, nhưng đây là lần đầu tiên Lễ hội Dừa được tổ chức mang tầm vóc quốc gia.
Đến tham dự Lễ có Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành, Ban Đảng Trung ương, các Viện, Trường Đại học: Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân vận, Ủy ban Kiểm tra, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9… và 24 tỉnh, thành phố trong cả nước… Đặc biệt, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ… Về phía tỉnh, có đông đủ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, quí Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương và địa phương đã nghỉ hưu, cùng nhân dân - nông dân những người trồng dừa, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ dừa… trong toàn tỉnh.
![](http://image.baodongkhoi.vn/news/2012/20120406/fckimage/7436154_6-4-2012-7h46-1a.jpg)
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy cám ơn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến dự Lễ khai mạc Festival Dừa Bến Tre lần III. Ảnh: T.C
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức Lễ hội Dừa Bến Tre đã thành thông lệ, 2 năm tổ chức 1 lần. Tuy nhiên, Lễ hội Dừa lần III này có ý nghĩa đặc biệt hơn, qui mô hơn, với mong muốn: cây dừa Bến Tre sẽ được công nhận là cây công nghiệp quốc gia, được Nhà nước chú trọng đầu tư và phát triển, người trồng dừa Bến Tre sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ dừa sẽ phát triển mạnh hơn trong tiến trình “Cây dừa Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”… Bến Tre có diện tích gần 53.000ha dừa với sản lượng đạt trên 400 triệu trái/năm, chiếm 35% tổng sản lượng dừa của cả nước. Giá trị sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa chiếm hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Sản phẩm dừa của Bến Tre và các tỉnh trồng dừa đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, cây dừa với chuỗi giá trị toàn diện, tạo ra hàng trăm dòng sản phẩm từ dừa, đang chiếm vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển của Bến Tre, không chỉ riêng về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch mà còn góp phần tích cực vào quá trình chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Không những vậy, cây dừa còn là nguồn cảm hứng sáng tác và đi vào thơ ca, nhạc họa. Hình ảnh ngọn đuốc lá dừa đã gắn liền với tên tuổi “Đội quân tóc dài” của phụ nữ Bến Tre trong phong trào Đồng Khởi năm 1960 vang dội…
![](http://baodongkhoi.com.vn/images/news/6.4.2012_7h47_1c.jpg)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen cho các nhà tài trợ. Ảnh: T.Long
![](http://baodongkhoi.com.vn/images/news/6.4.2012_7h48_1d.jpg)
Đông đảo người dân dự Lễ khai mạc Festival Dừa Bến Tre lần III. Ảnh: H.Hiệp
Cũng nhân buổi lễ long trọng này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có lời tôn vinh và bày tỏ lòng tri ân gửi đến những người nông dân trồng dừa, các nhà khoa học, các nghệ nhân, các nhà văn hóa, nghệ sĩ, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dừa đã góp phần to lớn đưa cây dừa không chỉ trở thành một biểu tượng văn hóa của Bến Tre mà còn là một mũi nhọn trong xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân trong toàn tỉnh.
Thay mặt Đảng, Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thị Doan khẳng định: Nhân dân Bến Tre đã đoàn kết, chung sức cùng nhau xây dựng quê hương ngày một phát triển, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cây dừa. Dừa đã gắn bó mật thiết với người dân Bến Tre từ khi lập làng lập ấp, trong chiến đấu giải phóng quê hương và trong xây dựng cuộc sống mới hôm nay. Sản phẩm dừa Việt Nam - dừa Bến Tre đã vươn xa trên 60 nước và vùng lãnh thổ. Điều đó khẳng định dừa là cây có giá trị kinh tế cao. Có một thời gian, cây dừa dường như bị lãng quên, nhưng từ khi Hiệp hội Dừa Việt Nam ra đời, việc đầu tư phát triển, nghiên cứu khoa học về cây dừa đã được bàn thảo và tổ chức thực hiện. Hiệu quả kinh tế của cây dừa ngày càng được khẳng định. Để cây dừa ngày càng phát triển, ngoài việc tôn vinh những người trồng dừa, tỉnh nên có những chính sách khuyến khích, ưu đãi người trồng dừa song song với việc liên kết với các tỉnh, các địa phương, các nước để chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức nghiên cứu khoa học về cây dừa nhằm đa dạng các sản phẩm từ dừa; chú trọng công tác qui hoạch, đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến sản phẩm dừa, tổ chức xúc tiến thương mại, du lịch, mở rộng thị trường tiêu thụ… Đặc biệt, phải thấy được việc trồng vừa mang ý nghĩa kinh tế nhưng lại vừa có giá trị “hiện đại” chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Trong khuôn viên bờ hồ Trúc Giang sáng ngời ánh điện nhiều màu cùng bao tiếng trầm trồ của nhân dân khi được xem các tiết mục văn nghệ. Đó là Dừa - Hiền hòa trong thiên nhiên. Cảnh ba đảo dừa trải ra trước mắt người xem thật hiền hòa, bình dị. Đẹp lắm hình ảnh những lá dừa chải tóc bên sông, như một cô gái đang độ xuân thì. Song dừa cũng vô cùng hiên ngang, bất khuất trong thế đứng giữ đất, giữ làng. Đó là Dừa - Hiên ngang trong chiến đấu. Đã bao đời Dừa trải khắp triền sông, giăng lũy, giăng thành chở che, bảo bọc… Và khi đất nước thanh bình, non song về một mối, dừa lại cùng con người xây dựng quê hương. Dừa - Một sản phẩm du lịch xanh. Cây dừa đã trở thành một chuỗi giá trị kinh tế toàn diện, tạo hàng trăm dòng sản phẩm, đang chiếm một vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển của Bến Tre. Hơn thế, dừa cũng có “chỗ đứng” trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, du lịch. Cũng rất thời sự, dừa góp phần tích cực vào quá trình chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đó còn là: Dừa - Một hình tượng văn hóa nghệ thuật. “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió”. Bài hát “Dáng đứng Bến Tre” dường như đã trở thành bài hát đặc trưng của quê Dừa. Khi nghe qua bài hát này, ai ai dù ở đâu, dù làm gì đều đau đáu nhớ thương về miền quê mẹ, miền quê anh dũng và rất đỗi tự hào. Và đó cũng còn là: Dừa - Tâm điểm hội nhập quốc tế. Đúng như lời người dẫn chương trình: Cảm xúc về với Bến Tre cũng như dòng chảy của những dòng sông đổ về biển. Cảm xúc ấy dắt ta đi từ cội nguồn đến hiện tại và hướng tới tương lai. Những giấc mơ xanh về một cuộc sống thanh bình gắn bó với thiên nhiên, hoa trái và những rặng dừa xanh biếc. Đó cũng là khát vọng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với một tinh thần Đồng Khởi mới, cháy lên thành ngọn lửa ý chí làm giàu cho quê hương…
Dưới sông (hồ Trúc Giang) cảnh những chiếc xuồng ba lá của những đôi nam thanh nữ tú hoặc của các cô, các chú bơi qua lại tạo một khung cảnh bình dị, mộc mạc, hiền hòa, một đặc trưng vốn có của miền sông nước Nam Bộ…
Có thể nói đây là lần đầu tiên, người dân Bến Tre được chứng kiến một đêm biểu diễn nghệ thuật mà điểm nhấn chính là dừa đặc sắc đến vậy! Với chủ đề chính “Cây dừa Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”, đêm khai mạc đã thực sự làm nức lòng nhân dân trong tỉnh.