Cây dừa trước biến đổi khí hậu

28/04/2016 - 07:34

Dừa là loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: C. Trúc

Hiện nay, trên 95 quốc gia trên thế giới duy trì việc trồng dừa cho nhiều mục tiêu khác nhau. Từ hàng trăm năm nay, cây dừa đã được sử dụng và khai thác các sản phẩm của nó như là một cây lương thực, cây dược liệu, đồng thời cũng là cây công nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ. Các vườn dừa còn tạo cảnh quan du lịch, cũng như việc duy trì hệ sinh thái, bảo tồn nguồn nước tự nhiên, lọc nước thải, không khí ô nhiễm, chống xói lở bờ sông và ngăn xâm thực bờ biển, đặc biệt là các vườn dừa có khả năng chống chịu cao với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có sản lượng dừa lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2011, diện tích trồng dừa của cả nước vào khoảng 147.210ha và phân bố trồng rộng khắp từ Bắc vào Nam, tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ở nước ta, trong điều kiện của khô hạn, bão tố, đất cát nghèo dinh dưỡng của miền Trung hay lũ lụt, mặn xâm nhập, nhiễm phèn ở đồng bằng sông Cửu Long thì cây dừa vẫn thích nghi và phát triển tốt. Kinh nghiệm trên thế giới cũng như ở Việt Nam qua nhiều trận mưa bão và lốc xoáy, các vườn dừa đều trụ vững trong khi nhiều cây rừng, cây xanh đô thị và cây ăn trái khác có tỷ lệ đổ ngã rất cao.

Cây dừa được trồng lớn nhất nước là ở tỉnh Bến Tre với diện tích trên 68.000ha, tạo nên một hình ảnh riêng biệt và độc đáo. Bến Tre được xem là xứ dừa, vì loài cây trồng này gắn bó bao đời với người dân Bến Tre, không chỉ vì giá trị lợi ích kinh tế bền vững, mà còn là vấn đề hệ sinh thái, điều kiện thuận lợi trong canh tác và có các yếu tố về cảnh quan, văn hóa. Dừa cũng được biết đến là một loài cây có sức sống mạnh mẽ, nó có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Cây dừa cũng như các loại cây khác có vai trò quan trọng trong việc tham gia hấp thu làm giảm phát thải khí cacbon dioxit (CO2) ra khí quyển. Điều này có một ý nghĩa nhất định trong cuộc chiến chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo cơ sở cho địa phương có kế hoạch tiếp tục duy trì và phát triển các vườn dừa thay vì chuyển đổi sang một loại cây trồng khác. Theo một nghiên cứu tại Philippines (Severino S. Magat, 2009) đã chứng minh cây dừa trên 10 năm tuổi có khả năng hấp thu khoảng 24 tấn CO2/ha/năm. Một nghiên cứu mới nhất của Đại học Cần Thơ, tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (Nguyễn Thị Thanh Trúc và Lê Anh Tuấn, 2015) thì vườn dừa trong độ tuổi từ 4 - 10 năm có khả năng hấp thu xấp xỉ 25 - 75 tấn CO2/ha/năm, cao hơn hẳn ở Philippines, có lẽ là do điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước ở Bến Tre tốt hơn ở Philippines chăng!. Đây cũng là một tiềm năng để các tỉnh có diện tích dừa lớn thực hiện chứng chỉ carbon theo cơ chế phát triển sạch (CDM).

Hiện cây, dừa được trồng nhiều ở các vùng nông thôn, ven biển và hải đảo. Ở các vùng ven đô và nội đô thì diện tích trồng dừa còn khiêm tốn. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm, cây dừa không nên trồng ở các vỉa hè, đường phố có mật độ người và xe cộ đông đúc, chật hẹp. Tuy nhiên, ở các khu ven đô, khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các tuyến kênh thoát nước, các thành phố vệ tinh mới hình thành thì có thể nghiên cứu thí điểm trồng dừa xen lẫn với các cây xanh khác để tạo cảnh quan và trang điểm đường phố. Chung quanh các khu công nghiệp tập trung có thể trồng dừa xen với các cây xanh khác để ngăn tiếng ồn, khói bụi. Một số tuyến đường có giải phân cách rộng trên 10m cũng có thể thí điểm trồng dừa tạo cảnh quan. Kinh nghiệm ở Philippines cho thấy các vùng đô thị có thực hiện và duy trì các vành đai xanh bằng cây dừa đã giảm thiểu rất nhiều sức gió qua các cơn bão nhiệt đới. Chi phí quản lý cây dừa ở khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng và đô thị cũng ít hơn rất nhiều so với nhiều loại cây xanh khác.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cây dừa có thời gian sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch kéo dài hàng trăm năm. Đặc biệt dừa là loại cây đơn trục, không có nhánh phụ dễ gãy, không gây tai nạn trong mưa giông, có hệ thống rễ chùm dạng sợi xốp, phần lớn tập trung ở xung quanh gốc trong vòng đường kính từ 3 - 4m. Rễ dừa ăn sâu 3,5 - 4m, trong đó, 50% rễ tập trung ở 50cm lớp đất mặt, vì vậy, ngoài tính năng như lớp đệm chống sụt lún tự nhiên, hệ thống rễ dừa còn có tác dụng như một bộ lọc và phổ cập thêm cho lượng nước ngầm thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt đồng thời giảm thiểu được trình trạng ngập lụt cục bộ do mưa lớn gây ra. Với dạng lá thùy lông chim, lá dừa còn có tác dụng làm giảm được tiếng ồn, lọc không khí và giảm nộ cuồng trong mùa giông bão.

Với những đặc tính sinh học và đặc điểm thích nghi, ứng phó cao trước sự biến đổi khí hậu, Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng đã đề xuất mô hình trồng dừa làm cây xanh trên các tuyến đường mới và ven kênh rạch TP. Hồ Chí Minh.

Với Bến Tre, cây dừa đã chứng minh khả năng chống chọi, phát triển tốt của nó trước tình hình xâm nhập mặn, với độ mặn lên đến 7 - 8%0. Trải qua đợt hạn mặn kéo dài nhất từ trước đến nay, cây dừa cũng đã chứng minh sự sống vững vàng của nó khi độ mặn có lúc vượt trên 10%0. Hiện, Bến Tre vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khả năng tồn tại và phát triển của cây dừa cũng như tính hiệu quả của nó trong tình hình mặn xâm nhập ở mức độ cao và kéo dài.

C.TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN