Cây dừa với người dân Phước Long

27/03/2015 - 07:14
Đan giỏ cọng dừa tại làng nghề.

Qua bấy nhiêu thăng trầm của đời dừa, đời người trải qua bao thế hệ, cho đến thời điểm này, người dân xã Phước Long, huyện Giồng Trôm vẫn khẳng định cây dừa là “cây sự sống” của họ.

Với diện tích trên 1.118ha, cây dừa gần như bao phủ toàn bộ diện tích đất tự nhiên của xã Phước Long. Năng suất bình quân đạt từ 750 - 850 trái/ha/tháng. Nhờ vào nguồn thu từ dừa trái, nhiều hộ dân trên địa bàn có cuộc sống khá, cơ nghiệp vững chãi, nuôi con cái thành đạt. Từ giẻ dừa, cọng chà dừa, mo nang, cọng lá dừa, lá dừa, vỏ dừa, đến rễ dừa… những thứ mà gần như chỉ có thể làm củi đốt hoặc độn mương rãnh thì với người dân Phước Long, tất cả đều có thể biến hóa thành hàng ngàn tặng phẩm làm đẹp, có nhiều công dụng cho đời, với giá trị tăng lên gấp chục, trăm lần.

Trước hàng chục kg cọng chà dừa đã được xếp ngăn nắp trong nhà và chờ vào những đôi bàn tay sáng tạo, bà Nguyễn Thị Nỷ nói với chúng tôi: “Cái này trước đây rẻ như bèo, chỉ để đốt nhưng giờ có thể giúp tôi “hái” tiền triệu quanh năm suốt tháng”. Chỉ riêng cọng chà dừa, bà Nỷ có thể biến hóa thành hàng trăm loại mẫu mã, sản phẩm khác nhau, như: giỏ hoa, lồng đèn treo, hình ảnh mô phỏng từ nhiều vật xung quanh… Giẻ dừa làm dép, nón… Công dụng của những sản phẩm này vừa trang trí làm đẹp, vừa có thể thay thế những vật liệu bằng mủ nhựa công nghiệp, tạo cho người xem những cảm xúc đa chiều bởi nó vừa lạ, vừa gần gũi, thân quen; vừa độc đáo, sáng tạo nhưng cũng thật thân thiện với môi trường. Bà tiết lộ: “Mẫu cọng chà dừa làm giỏ hoa hình trái tim, cơ sở tôi đã có thể làm bán suốt 6 năm nay. Nó vẫn luôn là niềm đam mê của khách hàng. Nhờ vậy, tôi có thể giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương”. Từ nguyên liệu sẵn có, với khoảng 2 ngàn đồng/kg cọng chà dừa, cùng với huy động lực lượng lao động nhàn rỗi và óc sáng tạo của mình, cơ sở làm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ dừa của bà Nỷ thu lợi nhuận từ 15 - 30 triệu đồng/tháng.

Phước Long còn rất nhiều gia đình làm nên sự nghiệp từ nghèo khó bằng nghề làm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Điển hình là câu chuyện về vợ chồng chị Hồ Thị Hạnh, chồng quấn quai, vợ đan giỏ bằng cọng dừa nuôi con đi du học hay ông Đỗ Văn Sòng, nhờ nghề này mà từ tay trắng làm nên nhà cửa, mua đất điền, xe… Hầu hết các con của ông cũng đã có cuộc sống ổn định nhờ vào nghề làm thủ công mỹ nghệ từ dừa.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng ấp Long Thị, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề đan giỏ cọng dừa Phước Long cho biết: Toàn ấp có trên 500 hộ, trong đó có gần 50% hộ gắn bó với nghề đan giỏ cọng dừa từ nhiều năm nay. Làng nghề vẫn duy trì hoạt động ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đến cuối năm 2014, ấp có số hộ nghèo giảm từ 86 hộ xuống còn 61 hộ.

Bình quân mỗi năm, toàn xã cung ứng cho thị trường từ 500 ngàn đến 1 triệu bộ giỏ cọng dừa (bộ 3 chiếc). Nhiều loại sản phẩm cũng đã tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài nước. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã, nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa góp phần mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân địa phương. Hiện xã có 4 cơ sở hoạt động khá lớn, với hơn 200 vệ tinh, thu hút từ 500 - 600 lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện xã đang phối hợp với Sở Công Thương đề ra các giải pháp để củng cố, phát triển làng nghề, đồng thời xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm.

Chia sẻ thêm về thị trường mới tiềm năng, bà Nguyễn Thị Nỷ cho biết: Cơ sở đang chủ động khai thác thị trường Mỹ. Cơ hội rất cao vì đây là quốc gia rất ưa chuộng những sản phẩm thân thiện, gần gũi với thiên nhiên.

Bài, ảnh: C.TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN