Mai chiếu thủy. Ảnh: Nguyễn Hải
Nay, chơi cây cảnh cũng là “thú chơi tao nhã”, vừa góp phần tạo nên cảnh quan hữu tình, cho đời thêm đẹp trong nhiều gia đình, nhiều thành phần xã hội, vừa là nguồn thu nhập đáng kể của người chơi cây cảnh thời đương đại.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật kiểng cổ có từ lâu đời, là hành trang của lưu dân Việt từ vùng đất tổ miền Bắc, miền Trung mang theo mình trên bước đường khẩn hoang, mở đất phương Nam. Ở Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng chí ít cũng ngót 300 năm, lúc đầu, nghệ nhân quen sử dụng từ Hán - Việt nên gọi thú chơi kiểng là thú chơi cảnh, về sau do kiêng úy Nguyễn Hữu Cảnh, người có công lớn trong việc thực hiện chủ trương của triều đình nhà Nguyễn “mở cõi phương Nam” nên từ kiểng được thay thế cho từ cảnh và được sử dụng cho đến nay.
Song, từ kiểng cổ chỉ mới xuất hiện trong thời gian nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường. Đây là từ dùng để phân biệt giữa “thú chơi tao nhã” của người xưa mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc với “thú chơi đẹp, bắt mắt và sinh lợi” của người đương thời.
Đời sống ngày một cải thiện, nhà ở ngày càng khang trang, hiện đại... đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu khiển qua “thú chơi tao nhã” có nhiều ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Do đó, tuy nghệ thuật chơi “kiểng” ở Bến Tre chỉ được tạo dựng từ khoảng 80-90 năm trở lại đây nhưng cây kiểng của “tiền nhân” trở thành “kiểng cổ”. Đây vừa là cơ sở nền tảng cho sự phát triển nghề sản xuất cây kiểng ở Bến Tre, vừa là cơ sở để đánh giá người “chơi kiểng sành điệu” hoặc ngược lại.
Qua khảo sát điền dã cho thấy, ở Bến Tre, tuy nhiều nghệ nhân có tay nghề cao, nhưng rất ít gia đình có “thú chơi tao nhã” này. Nguyên nhân cơ bản là do Bến Tre là tỉnh cù lao, kinh tế chậm phát triển, người dân luôn phải toan tính cho việc mưu sinh và phải đối phó với hai cuộc chiến tranh xâm lược, nên số đông phải tạm gác “thú chơi tao nhã” để tập trung giải quyết khó khăn trước mắt. Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống ngày một cải thiện, “thú chơi tao nhã” nhanh chóng trở thành một trong những làng nghề truyền thống không chỉ mang hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần làm rạng danh nghề sản xuất cây kiểng ở Bến Tre.
Kiểng cổ tuy đơn giản trong việc tạo hình, tạo tán (lưỡng diện) nhưng mang nhiều ý nghĩa triết lý nhân văn, là sự gửi gắm ý nguyện của người xưa đối với thế hệ mai sau, vừa là nguyện vọng của người tạo dựng đối với chính bản thân và gia đình mình, như: tam cương, ngũ thường, phụ tử, mẫu tử, thế trực, tam tòng, tứ đức… Ngày nay, kiểng cổ vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống xã hội, là cơ sở nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật cây kiểng thời đương đại.
Khảo sát làng nghề hoa kiểng huyện Chợ Lách và một số nghệ nhân có “thú chơi tao nhã” cho thấy, nghệ thuật cây kiểng đã có bước nhảy vọt “đáng nể phục”. Có thể nói, hầu hết các loại cây phân tán đều trở thành cây kiểng sau khi qua tay nghệ nhân; nghệ nhân ngày càng trẻ hóa và không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, gần như địa phương nào cũng có nghệ nhân và phần lớn hộ dân trên đất Bến Tre đều có “thú chơi tao nhã” đạt hiệu quả cả về kinh tế và văn hóa.
Qua thăm dò ý kiến, phần lớn các nghệ nhân cho rằng, nghệ nhân chơi cây kiểng thời nay không chỉ đòi hỏi có tâm mà còn có tầm, có tri thức và thị trường tiêu thụ. Bởi, không có tâm sẽ không giữ gìn và phát huy di sản văn hóa truyền thống mang tính bản sắc vốn có của nghệ thuật cây kiểng của người Bến Tre và ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; không có tầm sẽ không phát triển nghệ thuật cây kiểng đáp ứng nhu cầu xã hội và giao lưu quốc tế; không có tri thức sẽ không có khả năng sáng tạo nghệ thuật, không mang lại hiệu quả sản xuất và nếu không có thị trường tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các vấn đề nêu trên.
Có thể thấy, nghệ thuật “thú chơi tao nhã” của người Bến Tre đã vươn lên đáp ứng cả 4 yếu tố trên. Do đó, cây kiểng của Bến Tre không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước, mà hàng năm còn xuất khẩu hàng triệu cây kiểng các loại sang các nước trong khu vực như Hồng Kông, Singapo, Đài Loan…
Cây kiểng ở Bến Tre rất đa dạng và phong phú bao gồm cả lưỡng diện, tứ diện… Đặc biệt, kiểng hình (gồm hình thú, nhà lục giác, bát giác, tứ giác, lục bình, hình tháp...) tuy mới ra đời trong những năm gần đây nhưng đã chinh phục được thị trường trong và ngoài nước.
Sự đa dạng, phong phú của cây kiểng Bến Tre cho thấy năng lực và tư duy sáng tạo nghệ thuật cây kiểng của nghệ nhân Bến Tre là rất căn bản trong sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa nhu cầu xã hội với khả năng, sức mạnh tiềm tàng, đó là đất đai, tay nghề, môi trường và chính sách xã hội.
Tuy nhiên, nếu chỉ duy trì “thú chơi tao nhã” ở mức cá thể sẽ không kích thích sản xuất phát triển hoặc phát triển không ổn định và hủy hoại sản phẩm, đánh mất thương hiệu do cạnh tranh không lành mạnh… Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do những yếu tố trên, đòi hỏi nghề sản xuất cây kiểng phải được tổ chức sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm phù hợp với năng lực và tư duy tổ chức quản lý của từng cộng đồng sản xuất cây kiểng ở Bến Tre. Có thể khẳng định rằng, trong tương lai gần, “thú chơi tao nhã” ở Bến Tre sẽ không ngừng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.