|
Hàng cây xanh trên quê hương Phú Khánh. |
Ngoài giá trị là nguồn thực phẩm dinh dưỡng dồi dào, cây xanh còn làm giảm tác hại của ô nhiễm môi trường, giảm sự sạt lở của đất, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai.
Thạnh Phú vào những ngày tháng 5 với cái nắng gay gắt, chói chang của ngày hè càng làm cho không khí thêm nóng bức, khó chịu. Vậy nhưng, khi đến xã Phú Khánh, mọi sự ngột ngạt, oi bức gần như tan mất bởi không khí thoáng mát, trong lành từ 2 hàng cây nằm 2 bên huyện lộ 24.
Dạo một vòng quan sát và tận hưởng không khí yên ả của vùng quê, chúng tôi mới cảm nhận được giá trị của hàng cây. Trò chuyện với dì Mai Thị Én - người sống lâu năm ở vùng này được biết, người dân nơi đây rất tự hào và xem hàng cây như là biểu tượng của quê mình. Bởi người đi đường hoặc du khách đến tham quan đều trầm trồ, khen ngợi. Hàng cây không đơn thuần tạo bóng mát cho người dân sống quanh vùng, làm đẹp đường phố mà còn giúp người dân hạn chế được sức mạnh của gió khi có bão xảy ra. Nhìn hàng cây to, đều, thẳng tắp, xanh um che mát cả đoạn đường từ UBND xã đến bờ sông Hàm Luông, chúng tôi cảm thấy dễ chịu. Để tìm hiểu xuất xứ của hàng cây, chúng tôi đến thăm chú Nguyễn Văn Chơi (Sáu Đấu), người có tên gắn liền với hàng cây, mà mọi người thường ví von “Hàng cây Sáu Đấu”. Chú Sáu tâm sự, do sức khỏe không tốt nên chú được đưa đi nghỉ dưỡng tại TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, chú phát hiện và nhặt trái sao, dầu rụng trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy đem về ươm trồng. Năm 1980, khi là Bí thư xã, Phú Khánh là vùng đất nghèo, đời sống kinh tế khó khăn, con em học sinh rất vất vả trong việc đi lại. Nhờ trồng cây bạch đàn xen với sao, dầu, xã đã tạo được kinh phí để làm đường, xây trường học, xây trụ sở làm việc của UBND xã, làm nhà cho gia đình nghèo, gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn về nhà ở. Trước đây, chú Sáu trồng khoảng 3-4 ngàn cây sao, dầu xen với bạch đàn nhưng hiện nay bạch đàn không còn, chỉ còn lại khoảng 800 cây dầu và sao. Chúng tôi đến UBND xã Phú Khánh để tìm hiểu thêm về công tác chăm sóc, bảo vệ hàng cây. Anh Nguyễn Hữu Chí - cán bộ môi trường của xã cho biết: Xã đã có kế hoạch phối hợp với Xã Đoàn tổ chức các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn xã và hàng cây nằm trên huyện lộ 24. Ngành môi trường phối hợp với đoàn viên thanh niên tổ chức tháo gỡ đinh đóng vào thân cây, biển quảng cáo, biển hiệu, các bóng đèn đường, cột cờ, cũng như các vật dụng khác treo trên cây. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ cây xanh. Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi tự ý chặt cây, hạ nhánh cây, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Cấm đục khoét, đóng đinh vào thân cây, lột vỏ thân cây, đổ rác, đốt rác gần thân cây, xây bê-tông xung quanh gốc cây. Cấm treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác vào thân cây. Cấm giăng dây, giăng đèn trang trí vào thân cây khi chưa được phép của UBND xã… Tọa lạc trên huyện lộ 24 có Trường Tiểu học Huỳnh Thanh Mua. Chúng tôi cũng đã trao đổi với thầy Nguyễn Thanh Tuấn - giáo viên của nhà trường, được biết, trước đây khi hàng cây mới được trồng cũng có nhiều người phản đối nhưng giờ cây lớn trông rất đẹp. Có những cây trên 30 năm tuổi, chu vi của cây to đến nỗi vòng tay của 2 người ôm không xuể. Cây tạo bóng mát cho cả vùng và trở thành nét đặc trưng của quê hương Phú Khánh. Hiện nay, nhà trường cũng đưa chương trình giáo dục môi trường vào dạy chính khóa nhằm giúp học sinh thấy được vai trò to lớn của cây xanh trong việc cải thiện môi trường sống. Từ đó, các em có ý thức bảo vệ, giữ gìn, tham gia trồng cây xanh khi nhà trường và địa phương phát động.
Tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam chúng ta. Bến Tre là một trong những tỉnh chịu tác động khá nặng nề. Vì vậy, việc trồng và bảo vệ cây xanh là vô cùng cần thiết, nhất là đối với huyện biển như Thạnh Phú.