|
Đoàn tàu đánh bắt xa bờ huyện Ba Tri. |
Chủ trương cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67 của Chính phủ được nhiều cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai một thời gian dài, tuy nhiên cho đến nay, toàn tỉnh chỉ giải ngân được 1 tàu nâng cấp, cải hoán, còn lại đều nằm trên giấy tờ.
Việc tổ chức triển khai chủ trương đến các ngư dân có nhu cầu và qua đăng ký, xét duyệt hồ sơ là chủ trương mới nên trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt được 2 đợt. Đợt 1, gồm 9 tàu, trong đó đóng mới 8 tàu, sửa chữa, cải hoán 1 tàu. Trong 8 tàu đóng mới có 5 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, 3 tàu khai thác thủy sản (có 4 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ). Đợt 2 đã phê duyệt đóng mới 4 tàu vỏ gỗ nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. Như vậy, toàn tỉnh đã phê duyệt 12 tàu, trong đó có một tàu cải hoán nâng cấp, còn lại đều đóng mới, trong khi chỉ tiêu toàn tỉnh tổng cộng là 45 tàu. Tàu sửa chữa, nâng cấp đã hoàn thành giải ngân 2,7 tỷ đồng. Đối với các tàu đóng mới được duyệt, các chủ tàu đã gửi hồ sơ thiết kế sơ bộ và khái toán kinh phí để các ngân hàng thương mại thẩm định. Nếu khái toán cao hơn mức dự kiến ban đầu, ngân hàng sẽ thẩm định lại tài chính của chủ tàu để có quyết định giải ngân. Về chính sách bảo hiểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài chính cũng đã phối hợp thẩm định 77 hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt với số tiền 1,54 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho 11 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đủ điều kiện tham gia hoạt động trên vùng biển xa bờ theo Nghị định số 67.
Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị định số 67 còn nhiều khó khăn, bất cập. Về việc không hỗ trợ đối với các chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài thì theo Công văn số 231, ngày 31-12-2014 của Bộ NN&PTNT quy định không hỗ trợ đối với các chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ xử lý. Đối với chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, Bộ NN&PTNT đã công bố 21 mẫu tàu vỏ thép nhưng các mẫu này chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của các chủ tàu Bến Tre nên phải thiết kế lại. Việc thiết kế lại phải tốn chi phí và ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án. Bình quân chi phí thiết kế lại tàu vỏ thép từ 140 - 150 triệu đồng/tàu; tàu vỏ gỗ từ 35 - 40 triệu đồng/tàu. Từ đó, có một số vấn đề đặt ra là: Đối với trường hợp chủ tàu có nhiều tàu nhưng chỉ có 1 tàu bị bắt giữ, xử lý thì các tàu khác có được hưởng hỗ trợ hay không? Trường hợp tàu cá mua bảo hiểm sau khi Nghị định số 67 có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2014 thì có được hưởng chính sách này hay không? Đối với tàu đóng mới, cải hoán nghề dịch vụ hậu cần không được hưởng các chính sách ưu đãi thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân có phù hợp?
Theo ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT, Bến Tre hiện có 1.825 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm 51% tổng số tàu toàn tỉnh, đứng hàng thứ 3 của cả nước và thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định số 67 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân đóng mới, cải hoán tàu vươn xa bám biển. Tuy nhiên, Nghị định số 67 còn nhiều bất cập, làm chậm tiến độ giải ngân. Do vậy, Bến Tre kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp chủ tàu có nhiều tàu nhưng chỉ có 1 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài thì các tàu còn lại có được hỗ trợ không. Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn trường hợp chủ tàu tự mua bảo hiểm từ sau ngày Nghị định số 67 có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2014 có được hỗ trợ bảo hiểm không. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi một số điều của Nghị định số 67 như: hỗ trợ chi phí thiết kế đối với tàu vỏ gỗ giống như đã hỗ trợ đối với tàu vỏ thép vì ở mỗi địa phương, một loại nghề có một mẫu riêng.
Đối với việc điều chỉnh thiết kế tàu vỏ thép hiện nay chi phí khoảng 130 - 150 triệu đồng/tàu, kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ khoản chi phí này cho các chủ tàu. Cần sửa Điều 3, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cho cảng cá loại 2 và khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tối đa 90% đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, đề nghị tăng tỷ lệ này từ 90 lên 100%; sửa đổi Điều 6, về chính sách ưu đãi thuế: tất cả đối tượng đóng mới, cải hoán tàu theo Nghị định 67 đều được hướng chính sách ưu đãi thuế giống nhau.