Đối với công chúng Bến Tre, dường như họa sĩ Lê Lam được xem như người con của quê hương ruột thịt. Hay như giới văn nghệ sĩ Bến Tre thường gọi họa sĩ Lê Lam “Sanh Bắc, nhưng vẽ Nam”, vì tranh của họa sĩ mang đậm bản sắc Nam bộ nói chung, mà Bến Tre là một điển hình nói riêng.
Họa sĩ Lê Lam là người con của thủ đô Hà Nội. Ông sinh năm 1931, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội - năm 1953 và Trường Đại học Mỹ thuật Ki-ép (Liên Xô) - năm 1964. Về nước, Lê Lam tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu, đi thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long và dừng chân tại quê hương Đồng Khởi - từ cuối năm 1966. Đến đầu năm 1968, Lê Lam trở về Phòng hội họa giải phóng miền Nam. Với ba năm sống và vẽ ở chiến trường Bến Tre ác liệt, bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Lam mỗi lúc càng dày thêm. Họa sĩ Lê Lam đã sưu tập hơn 500 bức ký họa kháng chiến, hàng chục tranh chất liệu khổ lớn tiêu biểu như: “Đồng Khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Má Bến Tre”, “Em bé Linh Phụng”, “Chân dung Anh hùng đặc công thủy Hoàng Lam”… Hiện, những tác phẩm mang tính lịch sử, có giá trị nghệ thuật cao lưu giữ tại Bảo tàng Bến Tre được công chúng Bến Tre rất ngưỡng mộ.
Ngoài ra, họa sĩ Lê Lam là người có công truyền bá và phổ biến chất liệu tranh khắc gỗ cổ động in tay và tô màu, với số lượng theo yêu cầu treo, dán ở khắp các phòng, trạm thông tin lúc bấy giờ.
Tác dụng của tranh khắc gỗ cũng như tranh cổ động khổ lớn đã làm cho tên tuổi của họa sĩ Lê Lam không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn lan rộng cả thế giới - qua bức tranh “Dừng lại”. Bức tranh có nội dung một phụ nữ miền Nam dang tay ngăn cả đoàn xe lội nước của giặc, được treo ở cầu tàu Chợ Thom, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam), đã thu hút hàng vạn đồng bào khắp nơi đến xem, đến nỗi giặc Mỹ phải dùng đến hải, lục, không quân để cướp bức tranh và chở về Mỹ.
Năm nay, tuy họa sĩ Lê Lam đã bước vào tuổi tám mươi, nhưng ký ức những năm tháng đi thực tế ở Bến Tre mãi mãi không bao giờ phai mờ. Và, họa sĩ luôn khẳng định mình là người con của quê hương Đồng Khởi.
Tác phẩm: Đồng Khởi Bến Tre
Chất liệu: Khắc gỗ
Kích thước: 10cm x 24,5cm
Năm sáng tác: 1967
Năm sưu tầm: 12-9-2000
Tranh được làm tại Bến Tre sau khi phong trào Đồng Khởi diễn ra mạnh mẽ với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân với bất kỳ vũ khí mà họ có trong tay. Tranh này sau đó được làm lại tại Phòng Hội họa giải phóng như một bài học cho học viên thực hiện vào năm 1967. |