|
Ông Huỳnh Văn Tháp dành hầu hết thời gian chăm sóc vuông tôm. Ảnh: Q.H |
Qua 43 năm chiến đấu và công tác tại huyện Bình Đại, ông Huỳnh Văn Tháp có những thành tích đáng ghi nhận, như: Huân chương Kháng chiến hạng I, Huân chương Độc lập hạng III cùng nhiều bằng khen của bộ, tỉnh…
Trong cuộc chiến đấu giữ nước, có biết bao người lính đã ngã xuống hay để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, nhưng cũng có những người lính may mắn được lành lặn trở về. Bước vào giai đoạn cách mạng mới, họ vẫn giữ vững, phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh. Ông Huỳnh Văn Tháp – nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Bình Đại là một người như thế.
Mười bảy tuổi, vừa rời ghế nhà trường, chàng trai Huỳnh Văn Tháp xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia cách mạng. Trong những năm khói lửa, gian khổ, ông vẫn luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, đánh thắng giặc Mỹ để giải phóng xã nhà, giành lại độc lập cho Tổ quốc, quyết tâm bám trụ và sẵn sàng hy sinh. Ông Tháp ngậm ngùi: “Trong chiến tranh, không ai được quyền lựa chọn cho tương lai của mình, chỉ biết hòa chung vào khí thế hừng hực của cuộc chiến để giải phóng dân tộc”. Năm 1972, ông được cử sang Campuchia học 6 tháng và trở về huyện Bình Đại làm Trưởng Ban An ninh, đến năm 1987 ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy huyện Bình Đại, lúc này ông cũng được cử sang Liên Xô học lớp chính trị viên cao cấp 3 tháng.
Tháng 12-1996, ông Huỳnh Văn Tháp về nghỉ hưu cùng số tiền trợ cấp trong tay – theo chế độ về hưu của Tỉnh ủy. Lúc này, ông nảy sinh ý định làm kinh tế gia đình, phân vân mãi không biết phải đầu tư vào đâu, cuối cùng ông quyết định vay thêm tiền mua 1 mẫu ruộng muối để canh tác. Ông Tháp bày tỏ: “Ban đầu cũng khá vất vả nhưng nghĩ thời chiến khó khăn thế còn thắng giặc, nay thời bình không lẽ lại thua cái nghèo. Mình là người lính Cụ Hồ thì thời nào cũng phải thực hiện đúng lời Bác dạy, phải tự mình làm cho cuộc sống của mình được cải thiện hơn. Tôi bắt tay vào việc làm muối, lấy công làm lời, đồng vốn từ đó được nhân lên. Năm 2001, tôi chuyển sang nuôi tôm. Mới đầu, với diện tích 3.000m2, đến nay thì lên đến 1,5 ha. Hằng năm, lợi nhuận mang lại từ các vuông tôm trên một trăm triệu đồng”. Được biết, ông Tháp cũng là một trong những người tiên phong trong phong trào nuôi tôm sú tại Bình Đại lúc bấy giờ. Có thể nói, truyền thống đấu tranh của người lính với tinh thần độc lập, sáng tạo và ý chí thép được tôi luyện trong gian khó của một thời đạn bom giờ đây giúp ông Tháp vững bước trên mọi nẻo đường. Đối với ông, chắc hẳn không phải lợi nhuận là tất cả mà để thành công một cách vững chắc và lâu bền là những thành quả đạt được phải có ý nghĩa xã hội. Vì thế, khi làm kinh tế giỏi, ông đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Ông đã tài trợ xây dựng 2 căn nhà tình thương với kinh phí vài chục triệu đồng, ngoài ra ông còn giúp vốn cho các anh em, đồng đội làm kinh tế…
Được nhận huy hiệu 45 tuổi Đảng vào năm 2003, ông Tháp là người đảng viên gương mẫu, thường xuyên đóng góp ý kiến tại các cuộc họp chi bộ, nhằm góp phần đưa xã nhà dần hoàn thiện và phát triển, phát huy được truyền thống “Đơn vị anh hùng”. Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác. Ông Tháp cho biết: “Thông qua cuộc vận động làm theo lời Bác do Chi bộ phát động, tôi luôn xác định và hướng tới 4 mục tiêu chính: Sống, học tập và lao động theo gương Bác, xây dựng lối sống mình vì mọi người; là người cán bộ phải làm gương tiêu biểu cho người dân noi theo; cần có tính nhẫn nại để vượt khó; giúp đỡ cho xã hội, mọi người và nhất là những cá nhân, gia đình có công với cách mạng”.
Qua tiếp xúc, điều có thể cảm nhận được nơi ông Huỳnh Văn Tháp là: ở mọi cương vị - người lính, lãnh đạo hay cán bộ hưu trí thì trong ông vẫn toát lên được bản chất người lính Cụ Hồ, cần cù, sáng tạo, say mê lao động, dù ông đã bước vào tuổi 73.