Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện

07/04/2017 - 07:23

Nhờ sự nỗ lực của toàn ngành dân số (DS), tỷ lệ sinh đã từng bước được giảm xuống và hiện còn 1%/năm (năm 1961 là 3,6%). 

Mức sinh của Việt Nam khi đó cũng rất cao, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 49 tuổi) có 6,4 con. Tuy nhiên, mức sinh này đã từng bước được giảm xuống và còn 2,09 con vào năm 2006, đạt mức sinh thay thế. Mức sinh thay thế này đã được duy trì ổn định trong suốt 10 năm qua. Đây là một thành tựu hết sức to lớn.

Bên cạnh đó, nhờ những thành công trong việc giảm mức sinh, quy mô dân số nước ta hiện nay khoảng 93 triệu người, dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026. Theo đó, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng (2 người trong độ tuổi lao động có 1 người ăn theo) với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một thành tựu đáng kể trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là chất lượng DS Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong 55 năm qua, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi (1960) lên 73,3 (2015). Đặc biệt là triển vọng sống của người Việt Nam khi ở tuổi 60 đã tương đương các nước châu Âu và bỏ xa một số nước trong khu vực.

Thành công của chương trình DS-KHHGĐ đã giúp Việt Nam “tránh sinh” được hàng chục triệu người. Kết quả giảm sinh đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và làm tăng GDP, cải thiện đời sống nhân dân.

Theo TS. Lê Cảnh Nhạc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ trước đây nói đến DS là nói đến sinh sản, mức sinh và kế hoạch hóa gia đình. Hiện nay, nội dung đó vẫn tiếp tục nhưng không phải là trọng tâm. Theo Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 4-1-2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, Việt Nam cần chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang DS và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề DS cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng DS bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong giai đoạn tiếp theo, công tác DS cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng DS cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần; duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý; tận dụng giai đoạn cơ cấu DS vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thích ứng với thời kỳ già hóa DS thông qua việc phát huy vai trò và tăng cường chăm sóc người cao tuổi; đồng thời can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từng bước tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng DS và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho DS và phát triển.

Trong thực hiện chương trình DS-KHHGĐ, công tác truyền thông quyết định kết quả đạt được trong đó có tạo sự thay đổi nhất định đến đối tượng, nên đòi hỏi mỗi cán bộ truyền thông đều phải có những kiến thức phong phú và khả năng thuyết phục cao.

Công Tạo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN