Chất lượng đội ngũ báo cáo viên góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

04/11/2011 - 07:45
Cán bộ chủ chốt tham dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Ảnh: T.L

Theo quy định, mỗi khi có Nghị quyết của Đảng (của Trung ương, cấp ủy cấp trên) thì cấp ủy các cấp tổ chức các lớp học tập nghị quyết cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.

Để các lớp học này đạt hiệu quả, các cấp ủy sử dụng đội ngũ báo cáo viên, bao gồm những đồng chí trong cấp ủy, cán bộ lãnh đạo của một số ban, ngành, đoàn thể. Việc xây dựng một đội ngũ báo cáo viên ở các cấp là điều cần thiết, nhưng không phải báo cáo viên nào cũng có trình độ, năng lực, sự am hiểu sâu sắc vấn đề, khả năng phân tích nội dung nghị quyết cũng như kỹ năng trình bày vấn đề tốt như nhau. Vì thế, báo cáo viên phải là người có khả năng nói, có trình độ, trình bày vấn đề khoa học, lô-gic, dễ hiểu. Nói chung, nội dung văn bản nghị quyết thường được trình bày dưới dạng truyền khẩu, cho nên không phải ai cũng có thể nói rõ ràng, mạch lạc, súc tích, chưa nói là có tính thu hút, thuyết phục người nghe. Một khi nói không rõ ràng, không lô-gic thì nội dung của nghị quyết không thể đến được với người nghe một cách trọn vẹn, đầy đủ.

Từng câu chữ, từ ngữ trong nghị quyết đã được cân nhắc, lựa chọn tối ưu về khả năng biểu đạt, mang tính khái quát cao, nếu báo cáo viên chỉ nói theo những gì mình đọc được từ văn kiện thì hiệu quả sẽ rất thấp. Thực tế cho thấy, có một số cán bộ, do giữ cương vị, trọng trách hay đang công tác ở những ngành, đoàn thể liên quan, nên được chọn làm báo cáo viên, nhưng xét về năng lực truyền đạt, giới thiệu các nội dung nghị quyết thì không thể gọi là đạt yêu cầu. Không ít trường hợp báo cáo viên khi trình bày đã biến vấn đề quan trọng, cốt lõi, cần phải được phân tích, làm rõ, giúp người học nắm, hiểu một cách vững chắc, trở thành vấn đề bình thường, hoặc một vấn đề mang tính thời sự “nóng hổi” trở nên nhạt nhẽo… Vì vậy, có những lớp học tập nghị quyết, mặc dù cấp trên chỉ đạo là phải quan tâm đổi mới, nâng chất lượng để giúp người học dễ tiếp thu và nắm chắc các nội dung cơ bản của nghị quyết, nhưng hiện tượng báo cáo viên cứ mặc nhiên nói, còn người học thì mặc nhiên trò chuyện hoặc làm việc riêng là điều không hiếm thấy.

Do vậy, để từng bước nâng cao chất lượng học tập Nghị quyết của Đảng, bên cạnh việc phải tiến hành đồng bộ các biện pháp khác, thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên là một biện pháp quan trọng cần được các cấp ủy quan tâm, xin mạnh dạn đề xuất mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, báo cáo viên cần phải có khả năng và dành thời gian đầu tư nghiên cứu, nắm bắt nội dung nghị quyết một cách sâu sắc, nhất là những nội dung cốt lõi, cơ bản; sưu tầm, tổng hợp các văn bản, tư liệu liên quan đến nội dung nghị quyết để đưa vào dẫn chứng, minh họa, làm cho nội dung trình bày thêm phong phú; đồng thời phải biết liên hệ thực tế sinh động, nhất là gắn với tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình truyền đạt nghị quyết.

Thứ hai, phải có kiến thức xã hội tương đối, khả năng tổng hợp, phân tích vấn đề cao, không nên nói những gì làm người nghe cảm thấy “sáo”; tránh “bệnh áp đặt” hay đưa ra những dẫn chứng không chính xác, nhất là dẫn chứng lịch sử.

Thứ ba, báo cáo viên cần rèn luyện, trau dồi khả năng diễn đạt qua lời nói, kỹ năng nói. Nói sao cho khúc chiết, mạch lạc, giọng nói phải truyền cảm. Đặc biệt, tùy theo đối tượng tiếp thu nghị quyết mà có cách giới thiệu nội dung cho phù hợp với trình độ, nhận thức, kể cả môi trường, điều kiện công tác của người học.

Thiết nghĩ, để Nghị quyết của Đảng đến được với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, việc nâng cao năng lực của báo cáo viên trên nhiều lĩnh vực là cần thiết. Mỗi báo cáo viên nên biết cần làm gì để truyền tải nội dung nghị quyết đến với người học (người nghe) tốt nhất, hiệu quả nhất. Mong rằng những đợt học tập Nghị quyết của Đảng tới đây, ở từng Đảng bộ sẽ đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của cấp ủy, góp phần quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

Bùi Bia

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN