Chất vấn, thảo luận và giải trình chất vấn nhiều vấn đề quan trọng

08/07/2015 - 09:01

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Nhung (Thạnh Phú) thảo luận ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: H. Đức

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiều vấn đề có liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, phòng, chống tham nhũng và ô nhiễm môi trường mà cử tri trong tỉnh quan tâm đã được giải trình thấu đáo. Đại biểu tham gia kỳ họp cũng đã tham gia thảo luận sôi nổi về các vấn đề trên.

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội

Giải trình về những hạn chế, bất cập trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, ông Trương Duy Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày: Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường với tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thường xuyên xảy ra nắng nóng, nước mặn xâm nhập sâu, kéo dài, xuất hiện một số dịch bệnh lạ… ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản, kéo giảm tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Các ngành chức năng đã tích cực chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn mặn, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời thông tin cho nhân dân biết để phòng, chống; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa đối với từng loại dịch bệnh cũng như phòng, chống hạn mặn nắng nóng kéo dài; trong đó, tập trung xử lý có hiệu quả tình trạng dịch bệnh trên tôm, nghêu, sò và một số bệnh trên cây trồng, vật nuôi khác. Riêng bệnh chổi rồng trên nhãn, các ngành chức năng tập trung xử lý theo phương pháp ra quân đồng loạt, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Về giá cả hàng nông sản, tình trạng “được mùa rớt giá” kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp khắc phục, ngăn ngừa, UBND tỉnh cho rằng, vấn đề sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản là một trong những nội dung được tỉnh quan tâm hàng đầu. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư thực hiện các công trình khuyến nông, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết “4 nhà”  nhằm tạo điều kiện để người nông dân sản xuất có hiệu quả và giúp tiêu thụ hàng nông sản. Nhờ đó, số sản phẩm được bán với giá cao như chôm chôm, sầu riêng, heo, bò, tạo sự phấn khởi và yên tâm trong sản xuất của người dân. Tuy nhiên, cũng còn một số mặt hàng có diễn biến bất thường về giá, nhất là trái dừa.

Thời gian qua, giá dừa có lúc tăng cao, có lúc giảm sâu là do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do biến động của thị trường thế giới. Theo thống kê, giá dừa có xu hướng giảm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, vì đây là mùa thu hoạch dừa của các nước Philippines, Indonesia, Malaysia. Để khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn đồng bộ và tập trung một số giải pháp như: quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn nông dân chuyển đổi giống cây trồng  và vật nuôi; phòng trừ có hiệu quả dịch bệnh, kết hợp trồng xen nuôi xen để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập của người dân trên cùng diện tích canh tác. Tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình liên kết, mô hình sản xuất kín. Tổ chức triển khai và thực hiện tốt việc quản lý sản xuất theo quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch dẫn đến nguồn cung lớn hơn cầu. Có biện pháp chế tài đối với những địa phương sản xuất tự phát không đúng theo quy hoạch được duyệt. Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong việc bảo quản hàng nông sản. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Lĩnh vực tài nguyên, môi trường

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, dù được UBND tỉnh quan tâm thường xuyên, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện các giải pháp giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp nhưng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, thậm chí có xu hướng tăng, gây bức xúc trong dân cư, nhất là ô nhiễm trong chăn nuôi heo, thủy sản, ô nhiễm do khai thác cát trái phép, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận người dân vì lợi ích trước mắt đã xả thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi heo của một số hộ dân không đủ khả năng xử lý. Ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của một số cá nhân chưa cao, trách nhiệm kiểm tra, xử lý của các ngành chức năng của địa phương chưa kịp thời, chưa quyết liệt. UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất sạch. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng vi phạm về bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý những hộ gia đình chăn nuôi nhưng thường xuyên để ô nhiễm môi trường. Tập trung triển khai thực hiệu có hiệu quả việc quy hoạch, điều chỉnh việc thăm dò, khai thác cát lòng sông.

 Lĩnh vực đất đai, tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn một số hạn chế, thiếu sót, UBND tỉnh đã phát hiện những bất cập trên lĩnh vực này và đã chỉ đạo khắc phục.

Trong đó, yêu cầu chấn chỉnh ngay các sai sót trong kết quả đo đạc lập bản đồ, cấp giấy chứng nhận và trong công tác đo đạc dịch vụ địa chính theo yêu cầu của người sử dụng đất; giải quyết không thu các khoản phí, lệ phí do sửa sai và các trường hợp cần phải đo đạc lần hai để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý đất đai, tài sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau: Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị thực hiện công tác có liên quan đến quản lý đất đai, tài sản để thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế thấp nhất tình trạng xảy ra sai sót, nhằm tránh gây phiền hà cho người dân, tổ chức. Đồng thời, xem xét điều chỉnh các quy trình, hướng dẫn đo đạc để hạn chế việc chỉnh sửa hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai của Trung ương và ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương để đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực đất đai. Hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hiện đại, chính quy để hướng tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Kiểm tra, xử lý dứt điểm các tổ chức vi phạm quy định của pháp luật về  đất đai được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý nhà nước về đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Thực hiện tốt công tác quản lý đất công, đất bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.

Tình hình an ninh, trật tự; cải cách hành chính

Về các tệ nạn như trộm cướp, đánh bạc, đá gà, cướp giật, vỡ hụi gây mất an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội ở nông thôn, đe dọa sản xuất và đời sống người dân, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong giữ gìn ANTT, đảm bảo an toàn xã hội, nhằm tạo môi trường sống an toàn cho người dân yên tâm sản xuất, sinh hoạt.

Tuy nhiên, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp, nhất là ở địa bàn nông thôn, khu vực tập trung đông dân cư. Trong thời gian tới, ngoài thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, lực lượng Công an quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu: củng cố, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương trong công tác theo dõi, nắm địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Gia tăng tần suất tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường bố trí lực lượng cho bộ phận Cảnh sát giao thông để mở rộng phạm vi tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông trên các tuyến đường, nhất là các tuyến đường thường xảy ra tai nạn, trong đó đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, nhân rộng các mô hình, phong trào bảo đảm ANTT có hiệu quả như cổng rào nhân dân tự phòng, tự quản; mô hình Tiếng mõ an ninh, Liên kết tứ trụ…

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ đại biểu HĐND huyện Thạnh Phú nêu, hiện nay công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được sự quan tâm sâu sát của các ngành, các cấp và được triển khai khá đồng bộ với mục đích xây dựng nền hành chính hoạt động có hiệu quả, hiệu lực vì nhân dân phục vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy được tính sáng tạo, tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Tỉnh và huyện từng bước rà soát và bãi bỏ nhiều văn bản, thủ tục hành chính (TTHC) không phù hợp, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự nhanh, gọn, giảm phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, TTHC vẫn còn phức tạp, rườm rà trên nhiều lĩnh vực cần được bãi bỏ, sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng cho rằng, hiện nay bộ máy điều hành công tác này cũng còn phức tạp, tỉnh và huyện đều có Ban Chỉ đạo về CCHC mà đôi khi chức năng và nhiệm vụ của ban này chồng lấn với ban kia cần được điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp.

Công tác CCHC nhất là cải cách TTHC là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp này. Tổng hợp ý kiến từ các tổ đại biểu cho rằng, cần có giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực thường xuyên quan hệ với dân như: đất đai, xây dựng, khiếu nại, tố cáo.

Buổi chiều (7-7-2015), không khí Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII rất sôi nổi. Ñại biểu đã thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm.

Đại biểu bức xúc, gần đây, tình trạng nhạc sống xuất hiện nhiều, nhất là ở nông thôn, âm lượng lớn, gây tiếng ồn cả khu vực, mất vẻ đẹp văn hóa. Lý giải vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho rằng: Nhạc sống phát triển theo nhịp phát triển chung của xã hội. Sinh hoạt này tuy có làm cho cuộc sống người dân sinh động hơn nhưng đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Đây là một loại hình văn hóa, nhưng do người tổ chức nhạc sống (thường là chủ đám tiệc) mở nhạc lớn gây tiếng ồn, đã vậy, còn chơi quá khuya, làm mất đi nét đẹp văn hóa. Sở VHTT&DL đã nhiều lần phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nhưng vẫn xảy ra vi phạm. Gần đây, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 3280 (ban hành ngày 1-7-2015), về việc quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong sinh hoạt cộng đồng. Theo công văn này, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện các biện pháp để chấn chỉnh hoạt động của loại hình văn nghệ quần chúng và ban nhạc vào nề nếp, đúng với quy định của pháp luật, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Sở VHTT&DL sẽ phối hợp với ngành chức năng tổ chức thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của tỉnh.

Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VHTT&DL phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: H. Đức

Đại biểu thắc mắc về tình hình xử lý đơn, thư tố giác tội phạm của cơ quan Công an còn chậm, nhất là trò chơi bắn cá xuất hiện nhiều ở thành thị và nông thôn, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm 2015, Công an tỉnh tiếp nhận 463 tin tố giác có giá trị, đã giải quyết xong 395 tin; chưa giải quyết 68 tin (trong đó, quá hạn 8 tin). Nguyên nhân của 8 tin quá hạn: chờ kết quả giám định 3 vụ, chờ xin ý kiến của ngành cấp trên 3 vụ, đối tượng bỏ trốn 1 vụ, bị hại không hợp tác 1 vụ. Về quy trình xử lý tin, Công an tỉnh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựt - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Ảnh: H. Đức

Theo Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, toàn tỉnh hiện có trên 700 địa điểm kinh doanh trò chơi bắn cá. Cơ quan Công an đã chủ động phối hợp với ngành chức năng xử phạt 85 cơ sở, với số tiền phạt trên 400 triệu đồng. Đối tượng kiểm tra và xử lý là những điểm kinh doanh sau: có dấu hiệu cờ bạc; hoạt động không có giấy phép; chơi quá giờ quy định; không đảm bảo khoảng cách quy định với trường học. Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp với Sở VHTT&DL tiếp tục chủ động tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền đến khu dân cư, hộ gia đình.

Liên quan tới việc giá dừa giảm trong 6 tháng đầu năm 2015, đại biểu nêu ý kiến cho rằng nhiều cử tri thắc mắc vì sao sau Lễ hội Dừa thì giá dừa lại giảm? Ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Nguyên nhân giá dừa giảm trong 6 tháng đầu năm là do giảm theo thị trường thế giới. Giá dừa các nước trên thế giới giảm, do vào mùa thu hoạch của các nước Philippines, Malaysia, Indonesia. Tuy nhiên, theo biểu đồ giá chung của thế giới thì dừa Việt Nam (Bến Tre) giảm ít hơn.

Ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại kỳ họp.
Ảnh: H. Đức

Theo ông Nhựt, đầu ra và giá các sản phẩm cơm dừa nạo sấy trên thế giới giảm mạnh: giá cơm dừa nạo sấy từ 2,2 ngàn USD/tấn (tháng 12-2014) giảm còn 1,6 ngàn USD/tấn (tháng 6-2015); do vào thời điểm Tháng Ramadan (Tháng ăn chay) của người Hồi giáo nên lượng tiêu dùng giảm. Đồng thời, giá một số sản phẩm phụ như chỉ xơ dừa và nước dừa cũng giảm. Một nguyên nhân khác, do mô hình liên kết trong sản xuất và thu mua chế biến qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chưa thực hiện tốt, chưa có mô hình thực sự có hiệu quả, lợi ích chưa được hài hòa giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nên còn tồn tại nhiều chi phí trung gian. Mặt khác, Bến Tre được xem là “chợ dừa của khu vực”, do vậy, khi dừa tập trung về Bến Tre với số lượng lớn đã ảnh hưởng đến việc cân đối cung - cầu tiêu thụ dừa trong tỉnh.

Giám đốc Sở Công Thương đã có những đề xuất các giải pháp như: ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng thâm canh tăng năng suất và xen canh tổng hợp. Tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ giảm chi phí trung gian. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại.

Về giải pháp trước mắt để giải quyết áp lực giảm giá dừa như hiện nay, Sở Công Thương tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường dừa trong và ngoài nước, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp và người trồng dừa. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiến hành vận động các doanh nghiệp tăng công suất chế biến và cần giữ không giảm giá thu mua trực tiếp dừa trái của nông dân, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong thời gian tới. 

Phạm Tuyết - Thành Lập - Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN