Tàu chở hàng Trung Quốc neo tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Trump cam kết sẽ áp mức thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời đe dọa tăng thuế lên tới 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Đáng chú ý, ông còn cảnh báo áp dụng mức thuế 100% với các nước thuộc nhóm BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nếu những quốc gia này từ bỏ sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế.
Châu Âu với tư cách là một trong những đối tác thương mại quan trọng của cả Mỹ và Trung Quốc, đang lo ngại các chính sách thuế quan của ông Trump có thể gây ảnh hưởng lớn đến khu vực này. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đối mặt với viễn cảnh hàng hóa từ Trung Quốc, vốn không thể vào Mỹ vì các rào cản thuế quan, sẽ tràn sang thị trường châu Âu. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi kinh tế châu Âu, nhất là Đức - quốc gia dẫn đầu khu vực, hiện đang trong giai đoạn suy yếu.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng nếu làn sóng hàng hóa Trung Quốc đổ xô vào châu Âu, nhiều ngành công nghiệp tại đây có thể gặp khó khăn, gây ảnh hưởng xấu đến việc làm và sản xuất trong khu vực. Một số chuyên gia cho rằng điều này có thể làm gia tăng xu hướng dân túy tại châu Âu khi người dân tìm kiếm các giải pháp cực đoan để bảo vệ nền kinh tế của mình.
Không chỉ về kinh tế, châu Âu còn phải đối mặt với áp lực ngoại giao lớn từ cả Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều có chung mối quan tâm về chính sách trợ cấp của Trung Quốc - đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất xe điện - nhưng cách tiếp cận của họ khác nhau. Mỹ thường hành động mạnh tay, áp thuế cao để tạo áp lực, trong khi châu Âu có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vừa phải hơn. Ví như, EU đã áp thuế 35% lên xe điện Trung Quốc sau khi phát hiện có sự trợ cấp từ nhà nước nhưng mức thuế này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 100% mà Mỹ áp dụng.
Dù vậy, Tổng thống đắc cử Trump có thể sẽ thúc ép châu Âu có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh ngay khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025. Trong khi đó, EU cũng đang phải đối mặt với một vấn đề khác: các quy định trả đũa từ Mỹ liên quan đến thuế thép và nhôm, vốn đã được áp đặt từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, có thể được kích hoạt lại vào tháng 3/2025 và làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa các bên.
Ngoài ra, ông Trump còn đề nghị thu hồi quy chế "Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn" (PNTR) của Trung Quốc, điều này có thể làm tăng đáng kể mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ. Tuy động thái này có thể gây tổn hại cho Trung Quốc nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng lạm phát tại Mỹ và ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh này, châu Âu phải đối mặt với bài toán khó: làm thế nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình mà không làm tổn hại đến quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cân nhắc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đối phó với tình trạng dư thừa hàng hóa từ Trung Quốc mà không tham gia vào một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Châu Âu hiện đang ở thế khó, phải cân bằng giữa áp lực từ hai cường quốc lớn nhất thế giới. Với những thay đổi lớn trong chính sách thương mại dưới thời ông Trump, khu vực này sẽ cần có những chiến lược khéo léo để tránh rơi vào tình thế bất lợi trong cuộc xung đột kinh tế toàn cầu đang ngày càng phức tạp.
Nguồn: TTXVN