Những năm gần đây, xu hướng trang trí các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa được đông đảo người dân lựa chọn. Nắm bắt thị trường, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại huyện Châu Thành đã sản xuất sản phẩm độc đáo, với giá cả hợp lý, đáp ứng thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Ba bên phần đất đóng góp làm đường. Ảnh: Tr.Q
Với 33 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, Châu Thành là một trong những địa phương trong tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hình thức xuất khẩu chủ yếu thông qua du lịch, hay trung gian từ những công ty, doanh nghiệp hoặc những đơn hàng của các đối tác. Qua các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo từ dừa, người dân Châu Thành muốn đem đến cái nhìn mới, giúp du khách hiểu thêm về tiềm năng của Châu Thành như: du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, sự sáng tạo của người dân địa phương…
Một du khách đến từ Australia không khỏi ngạc nhiên, phấn khởi nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và du lịch tại miền Tây. Khi đến thăm đất nước của các bạn, tôi thật sự ngạc nhiên khi nhìn thấy những sản phẩm mà người dân địa phương sáng tạo ra từ cây dừa. Chúng rất tuyệt và tôi sẽ mua về làm quà tặng gia đình cùng bạn bè tôi. Chắc chắn họ sẽ rất thích”.
Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa được xem là mặt hàng có nhiều tiềm năng phát triển tại Châu Thành, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Bình quân thu nhập của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa trên địa bàn huyện ước đạt trên 500 triệu đồng/năm. Vì thế, để mặt hàng này ngày càng phát triển, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm “chắp cánh” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Trần Văn Thọ - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Hướng tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển các sản phẩm truyền thống hiện có bằng nhiều hình thức: chính sách ưu đãi đầu tư, tranh thủ từ các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi trong việc đầu tư đổi mới các trang thiết bị máy móc, tổ chức các lớp dạy nghề nhằm nâng cao tay nghề cho các cơ sở”.
Cồn Phụng (xã Tân Thạch) là địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ từ dừa. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn nhằm tạo điều kiện cho nhu cầu đi lại trong nhân dân cũng như vận chuyển hàng hóa; vận động các hộ còn lại tham gia sản xuất theo hình thức tập trung nhằm nâng tổng số hộ theo tiêu chuẩn quy định của làng nghề; phối hợp với các sở, ngành, tỉnh đẩy mạnh việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến bao bì sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện, mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa đa dạng về mẫu mã, với giá dao động từ vài ngàn đến vài chục triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, để mặt hàng thủ công mỹ nghệ có điều kiện vươn xa trên thương trường, bên cạnh việc hỗ trợ của các ngành, các cấp, thì các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa phải đặt chữ “tín” lên hàng đầu, nâng cao số lượng và quan tâm đến chất lượng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng mà các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa trên địa bàn huyện Châu Thành hướng đến.