Ảnh minh họa
Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 1-7-2021
Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng áp dụng từ ngày 1-7-2021 (mức cũ là 270.000 đồng/tháng).
Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.
Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế
Chính phủ ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế.
Khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là trong giai đoạn năm 2021 đến năm 2025, phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.
Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 với trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, ...); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Đến 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng
Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.
Xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 1-2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.
Tiêu chí xác định DN công nghệ cao mới áp dụng từ 30-4-2021
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí, trong đó có tiêu chí doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.
Nguồn: chinhphu.vn