Đáng chú ý trong bản báo cáo này UBGSTCQG cho rằng, mặc dù lạm phát tháng 7 giảm 0,29% so với tháng trước và là tháng thứ 2 liên tiếp có mức lạm phát âm.
Tuy nhiên, tính theo lạm phát cơ bản (loại trừ yếu tố lương thực, thực phẩm và xăng dầu) thì lạm phát tháng 7 vẫn tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Ủy ban này cho rằng, chính sách tiền tệ không phải là nguyên nhân làm cho giá hàng hóa và dịch vụ giảm trong những tháng gần đây.
Xét theo nhóm hàng hóa và dịch vụ có thể thấy việc lạm phát giảm nhanh trong 2 tháng vừa qua chủ yếu do sự giảm mạnh của giá các hàng hóa cơ bản.
Cụ thể, nhóm hàng giao thông trong tháng 7 giảm tới 2,71% so với tháng trước do giá xăng dầu giảm; nhóm hàng lương thực giảm 1,49% và là tháng thứ 7 giảm liên tiếp với tốc độ giảm lên tới 6,1% so với đầu năm; tương tự, nhóm thực phẩm có tháng thứ 5 giảm liên tiếp và giảm 0,47% so với tháng trước.
Như vậy, về bản chất việc CPI giảm thấp trong thời gian qua đang dựa nhiều vào các yếu tố bên ngoài (giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu) nên việc lạm phát giảm thấp sẽ chỉ mang tính tạm thời và có thể những yếu tố này sẽ tác động ngược lại đối với CPI trong thời gian tới bởi những nguyên nhân:
Chỉ số S&P GSCI đo lường giá của 24 loại hàng hóa sau 5 tháng giảm liên tiếp đã bắt đầu tăng trở lại và đáng lưu ý là nhóm hàng lương thực, thực phẩm trên thị trường hàng hóa thế giới được dự báo sẽ tăng nhanh do sản lượng ngô giảm mạnh tại Mỹ.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc hiện đã xuống mức 6 và nông dân đang có xu hướng giảm sản lượng đàn lợn.
Dữ liệu lịch sử cho thấy khi tỷ lệ này rơi xuống dưới mức 6 thì mức giảm của cung sẽ nhanh hơn mức giảm của cầu và hệ quả là sau đó 1 quý thì giá thị lợn sẽ tăng nhanh trở lại.
Trong khi đó, diễn biến lạm phát năm 2011 đã cho thấy giá thịt lợn tại Trung Quốc sẽ tác động rất lớn đối với chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam thông qua lạm phát nhập khẩu.
Do đó, UBGSTCQG nhận định, hiện tượng CPI giảm trong 2 tháng vừa qua là dấu hiệu rất đáng quan tâm, tuy nhiên với xu hướng tăng giá hàng hóa trên thị trường quốc tế cũng như áp lực lạm phát nhập khẩu từ Trung Quốc vào quý IV, nhiều khả năng CPI sẽ tăng lại vào những tháng tới đây và lạm phát cả năm dự báo khoảng 5%.
Thậm chí, nếu nới lỏng chính sách quá mức thì nguy cơ sẽ lại làm bùng nổ lạm phát vào những năm tiếp theo.