Chia sẻ để cùng vượt nghèo

02/07/2010 - 09:14
Anh Đoàn Văn Mẹo (thứ ba từ trái sang) tại buổi giao lưu Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: C.T

Anh Đoàn Văn Mẹo, 47 tuổi, ở tổ NDTQ số 10, ấp Thạnh Tây (Hương Mỹ) đã mang đến buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, do huyện Mỏ Cày Nam tổ chức mới đây, một món quà thú vị. Cuộc sống gia đình anh là một câu chuyện đẹp, được ban tổ chức chọn để giao lưu với gần 100 gia đình khác trong huyện.

Từ nhỏ, anh Mẹo sống bằng nghề leo dừa mướn. Sau khi cha mẹ mất, anh sống một mình. Ba anh em của anh Mẹo cũng thuộc diện nghèo. Như một thói quen, sau một ngày leo dừa mệt nhọc, anh lại tìm bạn để uống rượu… giải khuây và bị nghiện rượu lúc nào không hay. Rượu vào, lời ra, anh thường la hét, chửi bới, làm phiền những người xung quanh. Anh tâm sự: “Tưởng chừng cuộc đời tui đã đi vào ngõ cụt, vì không còn chỗ nương thân, bà con không thèm kêu bẻ dừa nữa...”
Tuy buồn cho số phận, nhưng trong anh vẫn còn tư tưởng làm lại cuộc đời. Cách nay hơn 10 năm, anh gặp chị Trần Thị Tâm, một gia đình nhỏ ra đời ngay sau đó. Chị Tâm kể, chị về với anh Mẹo trong lúc đang thiếu thốn nhiều thứ, chỉ có thừa lời cản ngăn của mọi người về chứng nghiện rượu của anh. Trái tim có lý lẽ riêng của nó. Họ như hai con thuyền không bến gặp nhau. Ngay từ đầu, chị quyết tâm phải giúp anh nhận ra tác hại của rượu với một “bí quyết” là sự chân thành. Chị chăm sóc anh theo cách riêng của mình: Anh đi bẻ dừa, chị cũng đi theo, phụ lượm và xách vào nhà cho chủ; anh cần hút thuốc, chị vội lấy thuốc và mồi lửa; về nhà, anh chuẩn bị đi tắm thì chị soạn khăn, quần áo sẵn cho anh... Từng cử chỉ, việc làm của chị như cơn gió mát thổi vào tâm hồn người đàn ông vốn không yêu ai ngoài… rượu. Anh dần hồi tâm, chuyển ý, giúp chị chăm chút cho cuộc sống gia đình. Tiền công bẻ dừa một ngày tuy không nhiều (3 ngàn đồng/12 trái) nhưng có khi thu được hơn 100 ngàn đồng. Để anh không “mất mặt” những khi gặp chiến hữu xưa và không mang tiếng… sợ vợ, chị thay anh khéo léo từ chối với lý do nay về đi đám, mai thì chăm con gái bệnh... Không bao lâu, từ chỗ giảm uống, anh đã quên hẳn rượu. Thấy anh lo làm ăn, “khách hàng” của anh nhiều hơn trước. Lần hồi, chị giúp anh trả xong món nợ nần do nhậu nhẹt trước đây và bắt tay gầy dựng một kế hoạch lớn hơn. Từ năm 2006, ban ngày anh chị đi bẻ dừa, tối tranh thủ cạo vỏ hạt điều. Cứ ít ngày, anh chị gom số tiền kiếm được gởi cho cơ sở bán vật liệu xây dựng quen.
 Đến năm 2009, số tiền “bỏ ống” được gần 15 triệu đồng, cộng với số tiền 6 triệu đồng (vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo) và của bà con xung quanh cho mượn, anh chị đã cất được căn nhà khá khang trang, trị giá 26 triệu đồng. Hơn thế nữa, năm 2010, anh vừa mua được 1.000m2 đất canh tác. Một kết quả đã làm cho mọi người có mặt trong buổi giao lưu hôm ấy phải nức lòng. Bây giờ, anh chị hạnh phúc lắm rồi - gia đình đầm ấm, cô con gái lớn (của chị) năm nay 17 tuổi, đi làm công nhân ở TP.HCM; con gái út được 10 tuổi.
Như vậy, không phải cứ gặp bế tắc là lâm vào đường cùng, ngõ cụt, không có cách giải quyết. Nghe qua câu chuyện trên, chúng tôi càng quí trọng những con người biết thương yêu, chia sẻ, cùng nhau tìm cách vượt qua nghịch cảnh của bản thân!

TRẦN TUYẾN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN