Chia sẻ và đi tới

01/03/2010 - 08:21
Thí sinh đang nhận giải. Ảnh: B.Trâm

“Chất lượng hội thi tốt, đa số các thí sinh có sự chuẩn bị chu đáo…” là nhận xét của ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Phòng Tuyên truyền văn hóa, văn nghệ (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Trưởng Ban giám khảo Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do Chi đoàn Báo Đồng Khởi tổ chức tại Tòa soạn, ngày 27-2-2010. Hội thi đã thu hút 11 đơn vị (trong đó khối ngành tỉnh, Thành Đoàn 10 đơn vị và Xã Đoàn Phú Túc - huyện Châu Thành), với 15 thí sinh.

Câu chuyện “Nhà cháu không đến thì đến nhà ai” của thí sinh Phạm Thị Oanh, Chi đoàn Văn phòng Sở Xây dựng (giải nhì) kể về chuyến thăm một gia đình đông con, nghèo khó nhất ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội) ngay đêm giao thừa năm 1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một việc làm âm thầm nhưng Bác đã thể hiện trách nhiệm với nhân dân. Oanh kể như tâm sự và nao lòng với những trăn trở đang mang: “Cả cái giản dị mà Bác đến với dân cũng làm mỗi chúng ta phải suy nghĩ, không khoa trương, hình thức, không xe đón, xe đưa, không quan liêu, mệnh lệnh… Tôi đã từng tự hỏi mình phải làm gì để thể hiện tình yêu thương như Bác. Và, tôi nhận ra dù ở bất kỳ địa vị nào, vai trò nào, chúng ta đều có thể học và làm theo tấm gương của Bác, bắt đầu bằng những việc làm nhỏ nhất. Tôi đã thật sự quan tâm đến con số 38.678 hộ dân là hộ nghèo, trong đó có 35.392 hộ gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.”. Từ đó, chị ý thức trách nhiệm bản thân là phải luôn đảm bảo mỗi công trình xây dựng mà chị tham gia đều đạt chất lượng, an toàn cho người lao động và chống thất thoát, lãng phí. Với phong cách tự tin, giọng lưu loát và truyền cảm, đoàn viên Phạm Thị Oanh đã khiến cả hội trường đồng cảm với chị.

Dương Thị Giang Châu, Đoàn ủy Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (giải nhì), kể về mẫu chuyện “Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm” đã làm cho cả hội trường im phăng phắc trôi theo dòng cảm xúc của mình. Chuyện về Bác được chị kể lại trong ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Theo Bác, chữa bệnh không chỉ bằng thuốc mà còn là tất cả tấm lòng yêu thương của “từ mẫu”. Ngành y đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình làm theo Bác. Riêng với Châu, thời gian qua, chị đã tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội. Chị chia sẻ: Nhìn những giọt nước mắt và những tiếng khóc gọi người thân của bệnh nhân, lòng tôi đau như xé ruột. Chúng tôi luôn tâm nguyện phải làm hết sức mình để giành giật sự sống cho bệnh nhân và mang lại niềm vui cho người thân của họ! Đặc biệt, đoàn viên Phạm Thị Thanh Trúc, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật (giải nhất) đã thuyết phục ban giám khảo qua phần trình bày về giá trị to lớn của bức thư Bác Hồ gửi  họa sĩ nhân dịp triển lãm mỹ thuật năm 1951 bằng giọng kể rất có hồn. Tấm gương của Bác đã giúp chị nhận thức hơn, tự giác hơn trong thực hiện nhiệm vụ của bản thân khi làm công tác văn hóa.

Hội thi không dài nhưng đủ để các bạn đoàn viên chia sẻ những việc làm được của bản thân, đơn vị mình cũng như nhìn nhận những điều cần nỗ lực hơn nữa. Các bạn làm theo lời Bác dạy từ những hành động nhỏ nhất như tiết kiệm giấy, điện, nước ở nơi làm việc; biết quý báu thời gian qua việc đi làm và hội họp đúng giờ; đoàn kết nội bộ; niềm nở, tận tình khi tiếp xúc với dân… Thay mặt Ban tổ chức, Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Đồng Khởi Cao Thị Kim Thanh đánh giá, hội thi có giá trị như một buổi ngoại khóa về chính trị hết sức bổ ích. “Đây cũng là nhiệm vụ chính trị được tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức Báo Đồng Khởi đặc biệt quan tâm”- bà Thanh nói. Hội thi khép lại nhưng đã mở ra một quyết tâm mới cho những người có mặt trong buổi hôm ấy.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN