Mùng bốn Tết. 7 giờ lật đật về thành phố. 14 giờ vẫn còn ở bên này phà Rạch Miễu, dù trung tâm thị xã Bến Tre chỉ cách phà hơn chục cây số!”. Đó là câu chuyện thường xuyên mỗi dịp lễ, tết. Bến Rạch Miễu có 13 phà, mỗi ngày khoảng 500 chuyến ngược xuôi, cải tiến phương tiện để thời gian vượt sông (khoảng 3km) đạt mức tối ưu (từ 14-17 phút/chuyến)… nhưng vẫn quá tải vào những ngày cao điểm. Đặc biệt từ khi phà Cổ Chiên hoạt động, xe từ các tỉnh miền Tây đổ về hướng Bến Tre càng nhiều, chờ phà trở thành nỗi ám ảnh… Một cán bộ phụ trách lĩnh vực đầu tư của tỉnh nói, nhiều doanh nghiệp đến Bến Tre tìm hiểu cơ hội đầu tư đều hỏi bao giờ cầu Rạch Miễu hoàn thành.
Xe qua cầu Rạch Miễu liền một mạch tới Bến Tre – cứ tưởng như mơ, một giấc mơ có thật, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đột phá cho mảnh đất cù lao ba dải. Nhưng, như lời Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be: “Cầu Rạch Miễu chỉ là phương tiện, rút ngắn thời gian là lợi thế để phát triển. Còn kinh tế và đời sống người dân Bến Tre có khá lên nhanh hay không, đòi hỏi phải có hoạch định chiến lược đúng đắn, cân nhắc kỹ những lợi ích mang lại cho tỉnh”. Vậy đâu là hoạch định chiến lược cho tỉnh cù lao này? Tỉnh ủy Bến Tre xác định, phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những khâu đột phá quan trọng để khơi dậy toàn lực tiềm năng kinh tế - văn hóa - xã hội. Bây giờ về Bến Tre đường sá thênh thang, xe ô-tô tới được trung tâm các xã (trừ Hưng Phong – Giồng Trôm đang xây phà và Tam Hiệp – Bình Đại). Các tuyến đường liên ấp, liên xóm phần lớn đã được tráng bê-tông. Năm 2002, cầu Rạch Miễu chính thức khởi công. Hai khu, cụm công nghiệp Giao Long và An Hiệp (Châu Thành) cũng bắt đầu khởi động cùng vận hội mới. Bến Tre từ đó bắt đầu nổi lên trên “bản đồ” của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu so về khoảng cách địa lý, Bến Tre có lợi thế là rất gần TPHCM (khoảng 80km). Hơn nữa, tỉnh thuần nông này có nguồn lao động phổ thông dồi dào. Riêng thủ tục hành chính ở lĩnh vực đầu tư những năm gần đây được cải cách triệt để (thực hiện một cửa liên thông, một cửa tại chỗ) nên tránh được tâm lý ngán ngại của doanh nghiệp.
Chính sự tích cực từ nhiều phía nên thời gian qua, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội, ký hợp đồng đầu tư tăng dần, nhất là vốn đầu tư từ nước ngoài FDI. Nếu lấy mốc từ năm 2004, vốn FDI chỉ khoảng 5 triệu USD thì năm 2006 con số này là 23 triệu USD. Năm 2007 là 69,1 triệu USD, tăng 151% so năm 2006. Cũng trong năm này, chỉ số năng lực cạnh tranh của Bến Tre tăng kinh ngạc, đứng hạng thứ 14/64 tỉnh thành, tăng 12 bậc so với năm 2006. Theo ông Nguyễn Trúc Sơn – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cầu Rạch Miễu sắp hoàn thành nên nhiều nhà đầu tư khẩn trương lập dự án và Trung tâm đã trình UBND tỉnh hơn 20 hồ sơ xin đầu tư. Năm nay dự kiến tổng vốn FDI trên địa bàn sẽ đạt tới 100 triệu USD.
Thu hút đầu tư đồng thời khai thác thế mạnh của địa phương sẽ giúp Bến Tre vững vàng hơn trong vận hội mới. Các đặc sản xứ dừa sẽ được tỉnh đầu tư dài hơi tạo thương hiệu. Sắp tới, dự kiến Bến Tre sẽ tổ chức Festival dừa cũng nhằm mục đích này. Ngoài kẹo dừa, các đặc sản từ dừa, Bến Tre còn nức tiếng bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc..., làng hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách) càng “gần” hơn với thị trường trong điều kiện giao