Chiến thắng 30- 4 và Bài học về cuộc sống

28/04/2013 - 17:15

Có một điều không lạ đối với các bạn trẻ đoàn viên, thanh niên ở Bến Tre là cho đến bây giờ mỗi khi đi hát, được hát thì nhu cầu đầu tiên là những ca khúc hào hùng của một thời cha anh đánh giặc. “Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến đấu..”, những ca từ ngọt ngào, khoẻ khoắn ấy xuất phát trong bom đạn chiến tranh, máu lửa và niềm lạc quan của người chiến thắng.

Thế hệ trẻ hôm nay lớn lên trong hòa bình, song cảm nhận về truyền thống đấu tranh của ông cha vẫn cháy bỏng, nóng hổi. 38 năm đã đi qua kể từ ngày Đại thắng - giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, giang sơn về một mối. “Lửa” từ cuộc kháng chiến chống đế quốc của dân tộc, “lửa” từ bao ca khúc cách mạng vượt thời gian đã và đang truyền nhiệt huyết cho bao khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, khẳng định sức trẻ quê hương xứ Dừa trong công cuộc xây dựng đất nước giàu, mạnh, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.

“Tiến dưới cờ chiến thắng, quyết giành thống nhất, đời cao tiếng hát. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” là lời ca trong bài hát Bước chân trên dãy Trường Sơn. Những câu ca hành khúc ấy không chỉ các bậc cao niên, người cựu chiến binh ngâm ngợi, mà chính là tiếng lòng của tuổi trẻ trong cuộc sống đương đại hôm nay.

Phong trào Tuổi trẻ sáng tạo, Mùa hè tình nguyện, Thanh niên xây dựng nông thôn mới… là những hoạt động đã và đang tỏa sáng trí tuệ, nhiệt huyết của lớp đoàn viên, thanh niên trong công cuộc đổi mới hôm nay. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên tụt hậu, chưa tiến kịp bước đi của nhịp sống mới. Các nhà khoa học, quản lý giáo dục thời gian qua đã lên tiếng về nhiều khía cạnh hạn chế liên quan đến giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Có học sinh, sinh viên không quan tâm đến tri thức lịch sử dân tộc, chỉ chú tâm vào môn học để đi thi hoặc chỉ nghiên cứu kiến thức chuyên ngành. Việc dạy môn Lịch sử, Giáo dục công dân ở nhà trường còn hàn lâm, “khô” và thiếu hấp dẫn. Trong thực tế, hiện tượng trên là có thật, do vậy mới cần một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Song, cũng như các nhà giáo dục phân tích: Học sinh hiện nay thiếu nhiều nhất là sự trải nghiệm và kỹ năng sống. Thế mới hiểu, vì sao các chương trình về nguồn, mùa hè trong quân đội, trại hè, dã ngoại về nông thôn, đeo ba lô trèo lên núi cao, lặn lội trong rừng sâu… không kém phần vất vả và tốn kém tài chính nhưng lại có sự hấp dẫn kỳ lạ đối với các bạn trẻ! Phải chăng, đó là mong muốn được trải nghiệm như cha ông đã từng sống hết mình vì đất nước! Thời gian qua, có nơi, tổ chức Đoàn, Hội đã nhìn ra vấn đề, khéo léo lồng ghép giáo dục lịch sử bằng cách lấy sự kiện lịch sử đặt tên trò chơi vận động.

Đặt trong mối quan hệ với tiến trình lịch sử dân tộc, Đại thắng Mùa xuân năm 1975 là sự thể hiện cụ thể, sinh động tài, trí của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp tài tình sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại và nghệ thuật quân sự Việt Nam “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Ba đòn chiến lược - Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã giáng những đòn sấm sét, quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh trên chiến trường Việt Nam và cục diện chính trị chung toàn thế giới. Qua 20 năm kháng chiến trường kỳ, sức mạnh của cả dân tộc tập trung cao độ trong 50 ngày đêm chiến đấu thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Công cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã thắng lợi hoàn toàn.

Khán thính giả cả nước gần đây đã quen với chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” trên Đài Truyền hình Trung ương mỗi buổi sáng sớm. Chào buổi sáng bằng kiến thức từ một cuốn sách hay là điều bổ ích. Chỉ cần 5 phút mỗi sáng, chúng ta có thêm tri thức về một khía cạnh cuộc sống, có thể là nghệ thuật kinh doanh, văn hóa ẩm thực truyền thống, hoặc một cuốn sách dạy về kỹ năng làm cha mẹ. Đáng quí hơn là thông tin về một tấm bản đồ làm căn cứ khẳng định thêm chủ quyền dân tộc ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một thông tin mới phát hiện thêm về tuyến đường Trường Sơn, ký ức về kỷ niệm của người chiến sĩ Đoàn tàu không số về những chuyến hải trình vận chuyển vũ khí Bắc - Nam trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Văn hóa đọc và văn hóa nghe - nhìn đang có sự thay đổi trong cuộc sống hiện đại có thể giúp thế hệ trẻ hôm nay cùng sống, cùng trải nghiệm những gì cha ông từng sống và hy sinh trong thời kỳ gian lao, anh dũng hơn 38 năm về trước.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức ngày hội “Sách và Văn hóa đọc 2013”. Đây là hoạt động thường niên hưởng ứng thông điệp của UNESCO về Ngày sách và Bản quyền thế giới 23-4 hàng năm. Ngày sách và Văn hóa đọc của Việt Nam năm nay có chủ đề “Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời”. Đúng dịp kỷ niệm lần thứ 38 Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, có một bộ sách hay, rất có giá trị không chỉ làm thay đổi cuộc đời mà có thể giúp các bạn trẻ hiểu sâu sắc hơn về dân tộc mình, bản thân mình để sống có ý nghĩa và mãnh liệt hơn. Đó là bộ sách “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam xuất bản. Bộ sách gồm 9 tập, 42 chương và gần 4 ngàn trang. Hơn 20 năm tích lũy tư liệu, biên soạn và khai thác những thông tin lần đầu công bố, trong đó có ý kiến của các nhà sử học thế giới, bộ sách quí này được đánh giá là đầy đủ nhất, bao quát nhất và sâu sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Bộ sách chứa đựng những “binh pháp” uyên thâm của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đồng thời chắt lọc cả những sự kiện tiêu biểu trong lịch sử kháng chiến Nam bộ. Tập 1 của bộ sách có nhan đề “Nguyên nhân chiến tranh”. Tập 2 với nhan đề “Chuyển chiến lược”, bạn đọc cả nước, nhất là bạn đọc Bến Tre được trải nghiệm và sống trọn vẹn với sự kiện có tính chuyển hướng chiến lược từ cầm cự giữ gìn lực lượng sang tiến công và nổi dậy bằng phương châm “Hai chân, ba mũi” thông qua phong trào Đồng khởi năm 1960 tại Bến Tre, rồi phát triển ở cả miền Nam. Bộ sách sẽ nâng cao giá trị văn hóa đọc và quan trọng hơn là nhiều bài học kháng chiến rất cần cho sự tích lũy cẩm nang sống cho thanh niên, đoàn viên, học sinh, sinh viên hôm nay. Sắp tới, nội dung bộ sách sẽ được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trường quân sự và phục vụ bạn đọc rộng rãi trong và ngoài nước.

Trong ca khúc “Có một thời như thế” được sáng tác gần đây vẫn mang âm hưởng của thời tranh đấu có cả sự oai hùng và bi tráng và vẫn được thanh niên tìm chọn hát để nói thay lòng mình: Ta đã hát vang trời, giữa làn khói bom vùi, những đoạn đường, những kỷ niệm, những buồn vui, Ta đã sống quên mình trong cuộc chiến bi hùng, nay trở về ôm đồng đội tóc bạc sương. Càng trân trọng những giá trị của ngày Đại thắng Mùa xuân năm 1975 bao nhiêu, chúng ta - những người đang sống hôm nay cần phải hiểu, sống và làm việc như thế nào để tên tuổi Việt Nam luôn rạng danh trên trường quốc tế. Trong tình hình hiện nay, việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, trong đó Hoàng Sa, Trường Sa, là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả mà mọi công dân Việt Nam dù sống trong nước hay ngoài nước luôn phải khắc cốt ghi tâm, quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN