Trong hai ngày 30-31/3 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 nhằm đánh giá tình hình triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế; kết quả phát triển kinh tế xã hội quý I; thảo luận và nhất trí mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển KT-XH trong cả năm nay. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên được truyền hình trực tuyến phần KT-XH với sự tham dự của Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước.
Các thành viên Chính phủ và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận định: Bước vào năm 2009, suy thoái ngày càng sâu của kinh tế thế giới, giá xuất khẩu giảm cùng với sự thu hẹp thị trường xuất khẩu, thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh… đã tác động trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế nước ta. Tăng trưởng kinh tế trong quý I chỉ đạt 3,1%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, mức tăng trưởng này được đánh giá là khá cao.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới tại 170 nước cho thấy: Việt Nam là một trong 12 nước có tăng trưởng dương trong quý 1 năm nay. Các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội được các bộ, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ. Đến hết quý I, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bắt đầu có chuyển biến tích cực. Nổi bật là sản xuất lương thực được mùa và giá, chăn nuôi tăng trưởng mạnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2008. Hầu hết các địa phương giải ngân vốn đầu tư tăng 15-20% so với cùng kỳ năm trước, riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng gần 80%...
Căn cứ vào tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái khó lường và tình hình trong nước, các thành viên Chính phủ nhất trí kiến nghị Bộ Chính trị và Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 xuống khoảng 5%; điều chỉnh thu và mức bội chi ngân sách nhà nước năm nay không quá 8%; cho phép Chính phủ được chủ động điều chỉnh các chỉ tiêu liên quan khác.
Phát biểu kết luận phần thảo luận về KT-XH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với nhận định chung đưa ra tại phiên họp; đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong triển khai quyết liệt và đồng bộ các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. KT-XH quý I đã có những chuyển biến tích cực, tạo tiền đề để các quý tiếp theo tăng trưởng cao hơn. Thủ tướng nêu rõ: nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế; phấn đấu duy trì đà tăng trưởng; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội.
Trên tinh thần này, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Trước hết, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, không để dịch bệnh tràn lan và tình trạng được mùa mất giá, thu mua lúa hàng hoá đảm bảo ít nhất 30% lãi cho người trồng lúa, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như cao su, thuỷ sản…
Các bộ, ngành chức năng và các địa phương tạo điều kiện cho người nông dân vay vốn ưu đãi để đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; mua xi măng, sắt, thép để làm nhà, mua phương tiện thay thế xe công nông; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục vay vốn, thuế nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp và xây dựng phát triển; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, mặt bằng để thu hút và triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, các dự án vốn ODA, gắn với rà soát và đẩy mạnh giải ngân hiệu quả các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tăng cường các biện pháp đấu tranh quyết liệt chống buôn lậu; tiếp tục điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, đảm bảo cán cân thanh toán tổng thể; điều chỉnh lãi suất nhưng đảm bảo lạm phát không quá 6% trong năm nay.
Thủ tướng cũng đồng ý mở rộng diện hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư đối với các đối tượng thuộc một số ngành sản xuất với thời hạn cho vay là 2 năm. Bộ tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi quy định, thủ tục bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn thuận lợi nhất.
Thủ tướng đồng ý bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và nhà ở cho sinh viên; sử dụng khoảng 20.000 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước để đầu tư cho các công trình, dự án dở dang, cấp bách cần phải hoàn thành trong năm 2009-2010; giảm lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ 6,9%/năm xuống khoảng 3%/năm.
Thủ tướng yêu cầu từng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho các cơ quan báo chí, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội cùng nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.
Ngày 1/4, Chính phủ tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về một số dự án luật và Nghị quyết quan trọng của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, ký túc xá cho sinh viên và nhà ở cho người thu nhập thấp./.