Quyền bình đẳng giữa nữ và nam đã được khẳng định tại điều 63 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Phụ nữ hiện đã được hưởng những quyền mà nam giới được hưởng như quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, quyền đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở, quyền tự do giao kết hợp đồng và quyền thừa kế…
Luật Bình đẳng giới đã có hiệu lực, đã đưa ra những nguyên tắc chung về bình đẳng giới, bao gồm cả trong lĩnh vực phát triển kinh doanh và phát triển nghề nghiệp. Luật khẳng định nam nữ thành lập và phát triển doanh nghiệp được tạo cơ hội và điều kiện như nhau trong việc tiếp cận nguồn lực, thị trường, công nghệ và các ưu đãi về thuế; đồng thời áp dụng một số biện pháp tạm thời để thu hẹp khoảng cách giới, trong đó có cả những cơ hội đào tạo cho phụ nữ. Luật Bình đẳng giới đã đặt nền tảng để xây dựng bộ máy giám sát thực thi bình đẳng giới trong xã hội. Đặc biệt, luật này quy định từ nay trở đi bất kỳ văn bản pháp luật hay chính sách nào có liên quan cũng cần được đánh giá tác động toàn diện về giới trước khi ban hành.
Bộ luật Lao động cũng qui định nhiều chính sách dành cho giới nữ như: ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi có đủ tiêu chuẩn tuyển chọn, không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Điều 111); ngoài nghề đang làm, lao động nữ có thêm nghề dự phòng (Điều 110). Mặt khác, Nghị định 23/CP ngày 18-4-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về những qui định riêng đối với lao động nữ nêu rõ: Doanh nghiệp sử dụng lao động nữ phải chủ động nghiên cứu những nghề mà lao động nữ không thể làm việc liên tục cho đến tuổi nghỉ hưu, lập kế hoạch đào tạo nghề dự phòng... Nghị định này cũng qui định doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được hưởng các chính sách ưu đãi như xét giảm thuế.
Chính sách về bình đẳng giới, nhất là trong phát triển kinh tế đã được qui định rất chặt chẽ và cụ thể. Tuy nhiên, thực hiện các chính sách này còn gặp một số bất cập. Tình trạng doanh nghiệp vi phạm qui định về ký hợp đồng lao động, chẳng hạn. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học lao động và xã hội, nhiều cơ quan, doanh nghiệp không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng với các điều khoản bất lợi cho lao động nữ, đặc biệt là khi họ có thai, phải nghỉ sinh. Ngoài các điều khoản trong hợp đồng, nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn có những thỏa thuận ngầm như cam kết không lấy chồng hoặc sinh con sau một số năm nhất định mới được tuyển dụng. Sự bất bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam còn thể hiện ở những con số như lương của lao động nữ chỉ bằng khoảng 85% của nam giới. Trên thực tế vẫn còn tồn tại những phân biệt cản trở phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế. Chẳng hạn, rất ít phụ nữ có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai sửa đổi (2003) đã qui định loại giấy này phải ghi cả tên vợ và tên chồng trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hai vợ chồng.
Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đánh giá Việt Nam có khung luật pháp về lao động rất tiến bộ. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là làm thế nào để các qui định liên quan đến giới, bình đẳng giới, hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế - xã hội thật sự đi vào cuộc sống.