Chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư công nghệ trên địa bàn tỉnh

08/06/2022 - 11:01

BDK - Thu hút các nhà đầu tư công nghệ (CN) được coi là động lực và dư địa để tỉnh tăng trưởng, do đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 quy định một số chính sách về hỗ trợ đổi mới, chuyển giao, ứng dụng CN thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh.

Vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre thích hợp đầu tư công nghệ năng lượng. Ảnh: Văn Cử

Vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre thích hợp đầu tư công nghệ năng lượng. Ảnh: Văn Cử

Chính sách hỗ trợ công nghệ

Theo đó, hỗ trợ thực hiện dự án (DA) hợp tác để triển khai các DA đầu tư đổi mới CN, bao gồm: đổi mới CN, đào tạo, thuê chuyên gia hướng dẫn vận hành, sản xuất sản phẩm theo CN mới với mức hỗ trợ: 30% tổng kinh phí thực hiện DA, tối đa 2 tỷ đồng/DA.

Hỗ trợ DA chuyển giao CN, bao gồm: bí quyết kỹ thuật; kiến thức kỹ thuật về CN được chuyển giao dưới dạng phương án CN, quy trình CN, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới CN; mức hỗ trợ: 30% kinh phí của DA chuyển giao CN, tối đa 1 tỷ đồng/DA chuyển giao CN.

Hỗ trợ cho tổ chức KH&CN thực hiện hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, chuyển giao CN trên địa bàn tỉnh để hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển CN phù hợp đặc thù của tỉnh, bao gồm: doanh nghiệp (DN) có DA thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao CN từ tổ chức KH&CN; DN, tổ chức, cá nhân thực hiện giải mã CN; tổ chức KH&CN có hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, chuyển giao CN địa phương để hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển CN. Mức hỗ trợ: 30% tổng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc một trong các nội dung nêu trên, tối đa 2 tỷ đồng/nhiệm vụ.

Hỗ trợ DA chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bao gồm: xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển của từng địa phương trong tỉnh; xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KH&CN, tổ chức quản lý, phát triển thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa có sự tham gia, liên kết giữa nhà khoa học, DN, hợp tác xã và người dân. Mức hỗ trợ 50% tổng kinh phí thực hiện đối với các DA chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tối đa 2 tỷ đồng/DA. Đồng thời, đối tượng thực hiện DA được xem xét vay vốn lãi suất ưu đãi của Quỹ phát triển KH&CN để thực hiện DA.

Chính sách ưu tiên công nghệ 4.0

Tỉnh không chỉ có chính sách hỗ trợ CN mà còn ưu tiên phát triển CN, nhất là các CN 4.0 thuộc Danh mục CN ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Điều 2 của quyết định này quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức liên quan căn cứ quyết định này và các quy định khác của pháp luật liên quan để định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CN”. Tỉnh đặt mục tiêu: “Tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển CN…”.

“Đầu tư nghiên cứu CN mới; lựa chọn và tập trung triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CN cho một số ngành và lĩnh vực then chốt, phát triển CN ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là CN số, CN thông tin, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử, y học, sinh học, năng lượng sạch, CN môi trường” là nội dung đã nêu trong Kế hoạch số 1590/KH-UBND ngày 29-3-2021 thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đang triển khai.

Chính sách ưu đãi công nghệ cao

Công nghệ cao (CNC) thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển. Theo Luật CNC, hoạt động ứng dụng CNC thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển được ưu đãi, hỗ trợ trong những trường hợp sau đây: (1) Sử dụng kết quả nghiên cứu về CNC để đổi mới CN, đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; (2) Sản xuất thử nghiệm sản phẩm; (3) Làm chủ, thích nghi CNC nhập từ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động này còn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Kế hoạch số 4771/KH-UBND ngày 12-8-2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển CNC đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nêu rõ: “Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển và ứng dụng ít nhất 3 CNC vào hoạt động sản xuất sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC cho DN, tập trung vào ngành nông nghiệp và 4 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (sản xuất, chế biến dừa, chế biến thủy sản, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo)”. Các nhà đầu tư CNC trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về CN.

Chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt công nghệ

Ưu đãi đặc biệt các nhà đầu tư CN theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt được quy định tại khoản 1, Điều 3: “Dự án đáp ứng tiêu chí CNC theo quy định tại điểm d, khoản 6, Điều 20, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được xác định như sau:

DA CNC mức 1 là DA có hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển CNC, sản xuất sản phẩm CNC và đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau: doanh thu từ sản phẩm CNC đạt ít nhất 70% tổng doanh thu thuần hàng năm của DA; tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trên tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hàng năm của DA đầu tư đạt ít nhất 0,5%; tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của DA đầu tư của tổ chức kinh tế đạt ít nhất 1%.

DA CNC mức 2 là DA có hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển CNC, sản xuất sản phẩm CNC và đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau: doanh thu từ sản phẩm CNC đạt ít nhất 80% tổng doanh thu thuần hàng năm của DA; tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trên tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hàng năm của DA đầu tư đạt ít nhất 1%; tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của DA đầu tư của tổ chức kinh tế đạt ít nhất 2%.

Tại khoản 2, Điều 3 quyết định này còn quy định: DN Việt Nam tham gia chuỗi theo quy định tại điểm d, khoản 6, Điều 20, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP được xác định như sau:

DN Việt Nam tham gia chuỗi mức 1 là trường hợp có DN Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư tham gia chuỗi giá trị và đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau: Có từ 30 - 40% DN Việt Nam trong tổng số DN tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất ra sản phẩm; tối thiểu 30% giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị.

DN Việt Nam tham gia chuỗi mức 2 là trường hợp có DN Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 23, Luật Đầu tư tham gia chuỗi giá trị và đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau: Có trên 40% DN Việt Nam trong tổng số DN tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất ra sản phẩm; tối thiểu 40% giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN