Chính sách với lao động nữ: Nhiều quy định đúng nhưng khó khả thi

26/04/2018 - 19:51

Một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy đúng nhưng tính khả thi không cao do thiếu quy định cụ thể phù hợp hoặc do sự thiếu linh hoạt cần thiết để có thể thực hiện hiệu quả trên thực tế...

Bà Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Bà Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Sáng 26-4-2018, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, phối hợp với UN Women và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi”.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh gia tăng hội nhập thương mại và các yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và của các công ước quốc về quyền con người, hiệp ước lao động quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ) sẽ tạo ra các cơ hội cho Việt Nam thực hiện các cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề nổi bật liên quan đến bình đẳng giới và việc làm.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng BLLĐ sửa đổi phải được đánh giá tác động trên 5 khía cạnh: kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật. Tác động về giới (nếu có) của chính sách phải được đánh giá trên cơ sở phân tích các tác động kinh tế, xã hội đối với mỗi giới về cơ hội, điều kiện, năng lực và hưởng thụ quyền, lợi ích do thực hiện giải pháp chính sách đó. Kết quả đánh giá tác động giới là một trong những yếu tố quan trọng khi tổng hợp kết quả đánh giá tác động nói chung để đưa ra phương án lựa chọn tối ưu cho từng giải pháp chính sách.

Bà Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh, BLLĐ là đạo luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng. Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung lần này có tác động lớn về kinh tế, xã hội không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn đối với việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc và cuộc sống của hàng chục triệu lao động ở các giới khác nhau cũng như thành viên gia đình họ. Chính vì thế, việc đánh giá tác động về giới và lồng ghép trong quá trình xây dựng dự án luật này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bà Lê Thị Nguyệt đánh giá, BLLĐ hiện hành đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Cụ thể, hầu hết các quy định của BLLĐ đều được áp dụng chung cho các giới. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc điểm tự nhiên và xã hội khác nhau, BLLĐ có một số quy định riêng đối với lao động nữ, chủ yếu là các quy định về bảo vệ thai sản và bảo vệ lao động nữ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các quy định liên quan đến bình đẳng giới của BLLĐ cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Đó là, một số quy định riêng đối với lao động nữ không còn thực sự phù hợp với cách tiếp cận hiện đại về bình đẳng giới. Một số quy định nhằm bảo vệ lao động nữ, mặc dù có mục đích tốt song lại có thể dẫn đến phân biệt, đối xử về giới trên thực tế, như các quy định về các công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam 5 năm…

Hơn nữa, một số biện pháp bảo vệ lao động nữ nói chung, bảo vệ sức khỏe sinh sản nói riêng do còn chịu ảnh hưởng của định kiến giới nên chưa bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình, trong bảo vệ sức khỏe sinh sản như: chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm… chỉ được quy định đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, bà Nguyệt và nhiều đại biểu đều chỉ ra rằng một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy đúng nhưng tính khả thi không cao do thiếu quy định cụ thể phù hợp (như quy định về chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ) hoặc do sự thiếu linh hoạt cần thiết để có thể thực hiện hiệu quả trên thực tế (như quy định nghỉ 60 phút/ngày cho con dưới 12 tháng bú sữa mẹ…).

Bà Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh: “Trên cơ sở nghiên cứu thực tế và kinh nghiệm của các nước, nên chăng đã đến lúc cần nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận xây dựng các quy định từ cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới” đối với cả lao động nữ và lao động nam”.

Bà Lê Thị Nguyệt cho rằng, những quy định riêng đối với lao động nữ của BLLĐ hiện hành cần thực sự là những quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế và những quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nam và lao động nữ.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề về giới của BLLĐ hiện hành đã được nêu ra trong Báo cáo Đánh giá tác động giới được UN Women, Đại sứ quán Úc và Investing in Women thực hiện trong tháng 10 đến 12-2017 thông qua các chuyến thăm thực địa và khảo sát trực tuyến.

Báo cáo Tác động giới đưa ra các khuyến nghị nhằm đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới và không phân biệt về các cơ hội nghề nghiệp, kỹ năng, và phát triển năng lực, các điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ và việc hưởng lợi ích giữa phụ nữ và nam giới tại nơi làm việc trên cơ sở bình đẳng.

Báo cáo đề xuất một số thay đổi chính cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi bao gồm: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Củng cố các quy định giải quyết quấy rối tình dục nơi làm việc; Cung cấp các biện pháp để bảo vệ chức năng sinh sản của tất cả các giới, thay vì chỉ tập trung vào lao động nữ; Xoá bỏ các yêu cầu về giới để nhận được những hỗ trợ liên quan đến việc nuôi dạy con cái và chăm sóc các thành viên trong gia đình nhằm thúc đẩy việc chia sẻ các trách nhiệm trong gia đình.

Các ý kiến đều nhấn mạnh đây đều là những vấn đề lớn, phức tạp và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ nên cần được nghiên cứu, thảo luận một cách rộng rãi, kỹ lưỡng.

Dự kiến, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và 6-2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10 và 11-2019.

Nguồn ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN