Bến Tre thực hiện Nghị quyết 11 khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả

23/06/2011 - 15:54
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nêu các kiến nghị, đề xuất với đoàn. Ảnh: Tr.Q

Ngày 22-6-2011, Đoàn công tác của Ủy ban kinh tế, Quốc hội khóa XII do ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Bến Tre. Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tiếp đoàn.

Ông Đoàn Văn Đảnh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những giải pháp cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2011. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2011, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa tiếp tục được triển khai và nhân rộng; chăn nuôi phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Sản xuất công nghiệp phát triển khá, hoạt động thương mại nội địa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; xuất khẩu tăng trưởng khá và có mở rộng thị trường tiêu thụ. Chất lượng ngành dịch vụ từng bước nâng lên. Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết trong 6 tháng đầu năm như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,36%, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,1%, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 14,34%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 14,86%. So chỉ tiêu nghị quyết năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 163,98 triệu USD (đạt 63,1%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5.110,98 tỷ đồng (đạt 48,7%), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 548,25 tỷ đồng (đạt 54,8%), tổng chi ngân sách địa phương 1.471,49 tỷ đồng (đạt 45,96%), tạo việc làm cho 11.603 lao động (đạt 50,5%); tỷ lệ hộ nghèo còn 15,58% (nghị quyết còn 15%), tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 97,89% (nghị quyết trên 97,5%), tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 86% (nghị quyết 87%).

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã rà soát và đình hoãn 12 dự án khởi công mới, với tổng vốn 30,7 tỷ đồng; bố trí tăng vốn cho 10 dự án chuyển tiếp, tiến độ thi công có khả năng hoàn thành trong năm 2011. Riêng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân cấp cho các huyện, thành phố, tạm đình hoãn 27 dự án, công trình khởi công mới, với tổng vốn 10,1 tỷ đồng; bổ sung tăng vốn cho 22 dự án, công trình chuyển tiếp, dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Tỉnh cấp giấy chứng nhận 2 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn 4,1 triệu USD và 4 giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh mở rộng dự án, với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 27,12 triệu USD; hỗ trợ và cung cấp thông tin kinh doanh đầu tư cho 25 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ước tính đến cuối tháng 6-2011, nguồn vốn tín dụng huy động tại chỗ đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 2,1% so đầu năm. Doanh số cho vay đạt 9.600 tỷ đồng, tăng 28,4% so cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 2,9% so đầu năm.

Ông Đảnh cũng đã báo cáo với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế, về những  khó khăn của tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp, giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, lãi suất tín dụng ở mức cao. Nắng nóng gay gắt, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nêu một số kiến nghị, đề xuất với đoàn như: Định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước cần xây dựng theo xu hướng tổng hợp và có tăng lên từng năm; trong quá trình thực hiện cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo cho bộ máy quản lý nhà nước hoạt động hiệu quả. Đối với một số định mức chi tiêu, Trung ương hướng dẫn cần kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mặt bằng giá cả hiện nay. Các bộ, ngành cần có văn bản hướng dẫn cụ thể Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao; Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường để địa phương thực hiện.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, đối với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách như Bến Tre, Trung ương cần có cơ chế và hỗ trợ kinh phí để thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Luật Ngân sách nhà nước chưa quy định đầy đủ về quản lý vốn đầu tư phát triển từ khâu lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán vốn đầu tư; không có kế hoạch bố trí vốn đầu tư trung và dài hạn theo dự án đầu tư, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Đầu tư công. Trung ương sớm hỗ trợ tỉnh thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp để trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trong tình hình hiện nay, do nguồn ngân sách của tỉnh chưa đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mở thêm chi nhánh không được miễn giảm thuế, phải mượn tên người khác để đứng tên, do quy định chỉ miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp mới thành lập, cần quan tâm điều chỉnh. Tổng cục Hải quan sớm mở chi nhánh hoặc trạm hải quan tại Bến Tre để giúp doanh nghiệp kiểm hóa, xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu được thuận lợi và nhanh chóng. Trung ương cần xây dựng Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cao trong khu vực để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo rất mong manh, cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 100% hộ cận nghèo (hiện mới hỗ trợ 50%, rất ít hộ tham gia). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần quy định rõ ràng, tránh chồng chéo giữa các bộ; nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới không phù hợp đặc thù của Nam bộ, cụ thể không thể thực hiện kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa xã còn gặp khó khăn, nay quy định phải xây dựng nhà văn hóa thôn là không phù hợp. Kinh phí hỗ trợ xã bãi ngang mỗi năm 1 tỷ đồng, cần nâng lên để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển đời sống nhân dân. Trung ương sớm bố trí vốn cho những công trình quan trọng của tỉnh để hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhiều dự án đã có ý kiến của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhưng chưa được bố trí vốn…

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế đã đặt ra nhiều câu hỏi và được các sở, ngành của tỉnh giải trình. Năm 2010, Cục Thuế đã thu được 890 tỷ đồng. Năm 2011, dự toán Trung ương giao thu 950 tỷ đồng, địa phương giao tăng lên 1.001 tỷ đồng; khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, Trung ương điều chỉnh lên 1.036 tỷ đồng và tỉnh giao 1.046 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2011, Cục Thuế tỉnh đã thu được 548 tỷ đồng, đang phấn đấu thanh tra, kiểm tra và có khả năng đạt định mức của Nghị quyết 11 vào cuối năm 2011. 6 tháng đầu năm 2011, khối lượng thi công các công trình tăng so với vốn đầu tư do các doanh nghiệp tự ứng vốn để triển khai thực hiện. Đối với các công trình đình hoãn thi công được tỉnh thanh toán chi phí vật liệu xây dựng đã thi công, bảo lưu kết quả trúng thầu cho công ty để khi có vốn triển khai thực hiện. Nhiều năm liền, người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ít bị thiệt hại do tỉnh có chủ trương hỗ trợ kinh phí tái kiểm dịch con giống khi nhập vào, quan trắc môi trường và khuyến cáo lịch thời vụ. Nợ xấu ngân hàng nhiều năm liền dưới 1%, năm 2011 dự kiến 1,2%. Vốn cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 35% kéo giảm xuống còn 21% và tỷ trọng cuối năm 2011 còn 16%. Các ngân hàng không thiếu vốn cho vay nhưng doanh nghiệp cân nhắc hiệu quả đầu tư, do lãi suất cao. Các ngân hàng thương mại huy động vốn theo lãi suất 14% nhưng thực tế cao hơn và thanh tra rất khó phát hiện.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Bến Tre đang chịu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước mặn từ các cửa sông chính ngày càng lấn sâu vào đất liền và thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre hoàn chỉnh, sông Ba Lai trở thành hồ trữ nước ngọt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long nhưng do nguồn vốn Trung ương bố trí chậm, nhiều hạng mục chưa khởi công để tạo khép kín. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai chương trình đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, trong đó có Bến Tre. Tỉnh đã có dự án đê ven sông Hàm Luông và sông Tiền; các dự án dưới đê từ năm 2011-2015 và tầm nhìn năm 2020. Bến Tre đã xây dựng xong khung kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngành nuôi trồng thủy sản đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, năm 2011 lần đầu tiên nghêu giống bị thiệt hại nặng nhất. Tỉnh đang tìm giải pháp hỗ trợ hộ dân phục hồi sản xuất. Tôm nuôi cũng đã xuất hiện bệnh teo gan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các viện tập trung nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục. Các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn chỉ đáp ứng 20% con giống so với nhu cầu nuôi, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, chất lượng con giống đôi lúc không ổn định, ảnh hưởng đến hộ nuôi. Bến Tre đang thành lập khu sản xuất con giống để thu hút nhà đầu tư sản xuất con giống tại chỗ. Bến Tre có 1 trường Cao đẳng đa ngành, hướng nâng lên thành trường đại học, cần Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, tham mưu Tỉnh ủy ra nghị quyết về xây dựng xã nông thôn mới; trước mắt, tiến hành kiểm tra nắm rõ những tiêu chí mà các xã đã đạt và chưa đạt, chỉ đạo các huyện chọn xã điểm, xã diện. Xây dựng giao thông nông thôn cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tiêu chí của xã nông thôn mới. Khó khăn của tỉnh trong triển khai xây dựng xã nông thôn mới là kinh phí xây dựng các thiết chế cần sự hỗ trợ của Trung ương.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Hà Văn Hiền cho rằng, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đã cung cấp cho đoàn nhiều thông tin. Những năm gần đây, Bến Tre đã phá thế biệt lập, tạo thế mới cho tỉnh phát triển nhanh. 6 tháng đầu năm 2011, Bến Tre nằm trong khó khăn chung của cả nước, điều đáng ghi nhận là tỉnh vẫn duy trì được đà phát triển. Nhiều chỉ tiêu đạt mức cao so với mặt bằng chung của cả nước. Thành công này xuất phát từ việc tỉnh nghiêm túc, khẩn trương và quyết tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những tháng cuối năm 2011, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và có thể kéo dài đến năm 2012, Bến Tre cần tiếp tục thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong điều kiện doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay do lãi suất cao. Nguồn vốn Trung ương bố trí cho các công trình cần tập trung triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả.

Tỉnh đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với Trung ương, đoàn ghi nhận và lựa chọn để báo cáo với các bộ, ngành hữu quan quan tâm giải quyết.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN