Cần tăng cường hoạt động thanh tra công vụ trong cơ quan nhà nước

30/03/2018 - 07:41

BDK - Thanh tra công vụ là vấn đề đang được quan tâm và cần được tăng cường trong giai đoạn hiện nay. Đây còn là công việc cần thiết, quan trọng để phục vụ cho yêu cầu quản lý.

Thực hiện đúng nhiệm vụ công chức

Trong thi hành công vụ, cán bộ, công chức (CB, CC) có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật Nhà nước; chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản Nhà nước; chấp hành quyết định của cấp trên.

Ngoài ra, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của CB, CC; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh CB, CC thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến đạo đức công vụ, CB, CC phải thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ và phải tuân thủ các quy định về văn hóa giao tiếp ở công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân như: có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

Thanh tra thường xuyên và đột xuất

Theo Luật Thanh tra, thanh tra công vụ thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB, CC theo quy định của Luật CB, CC.

Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ cũng được tỉnh đẩy mạnh, nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chế độ kỷ luật trong hoạt động công vụ, duy trì trật tự kỷ cương, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động thực thi công vụ của CB, CC. Sở Nội vụ đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành trật tự kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, phần lớn CB, CC các đơn vị chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa giao tiếp nơi công sở, quy tắc ứng xử của CB, CC, sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo Chỉ thị số 26/CT-TTg, Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, Công văn số 1377-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị phải chú trọng đến công tác thanh tra công vụ: thanh tra thường xuyên và đột xuất; cần có kế hoạch cụ thể và có tổng kết, rút kinh nghiệm hàng năm. Phải làm bằng sự quyết tâm cao, nhất là người đứng đầu đơn vị, địa phương. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền cơ sở cũng như từng CB, CC, viên chức, công tác thanh tra công vụ sẽ có bước chuyển mạnh mẽ, hiệu quả trong thực hiện kỷ cương hành chính, làm cốt lõi để lan tỏa, xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.

- Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 74 của Luật CB, CC đã quy định phạm vi thanh tra công vụ như sau:

1. Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB, CC theo quy định của luật này và các quy định khác có liên quan.

 2. Thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ.

- Tại Khoản 2, Điều 4 của Luật Thanh tra quy định: “Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước theo cấp hành chính đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp”.

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN