Đầu năm bàn về chuyển đổi số

04/02/2021 - 13:40

BDK - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến toàn cầu, đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp các nước trên thế giới và cả Việt Nam có sự thay đổi phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật. Bối cảnh này đã đặt ra thách thức, nhưng cũng là thời cơ để tỉnh bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên trên các tỉnh khác. Hiện tỉnh đã có Nghị quyết về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chuyển đổi số làm nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: ST

Chuyển đổi số làm nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: ST

Tiếp cận chuyển đổi số

Thời gian qua, tỉnh đã đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), bao gồm các khối Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã có mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng. Hầu hết cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ công việc chuyên môn. Duy trì tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử được lãnh đạo tỉnh quan tâm, thúc đẩy triển khai tại các cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, giao thông, kế hoạch và đầu tư... trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo được sự chính xác, kịp thời trong quá trình xử lý, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngày một nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế: Hạ tầng viễn thông đạt thấp hơn mức trung bình của cả nước (phủ sóng di động 4G đạt 91,07%, trung bình cả nước đạt 95,72%; tỷ lệ người dân sử dụng smartphone chỉ đạt 46% dân số; tỷ lệ gia đình có dùng băng rộng cố định 42,2%, trung bình cả nước đạt 58%).

Tính đến ngày 30-11-2020, Cổng DVCTT tỉnh cung cấp được 1.356 DVCTT mức độ 3, 4 đạt 73,38%. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết đối với các DVCTT mức độ 3, 4  từ ngày 1-1-2020 đến ngày 20-11-2020 là trên 71 ngàn hồ sơ. Các hạ tầng kỹ thuật bảo vệ hệ thống thông tin còn yếu và thiếu, chưa đầy đủ cho các phân lớp kỹ thuật. Công tác xây dựng mạng lưới điều phối, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố thực hiện chưa nhiều. Hoạt động công nghiệp CNTT của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động dịch vụ lắp ráp và kinh doanh phân phối sản phẩm CNTT; các hoạt động chủ chốt của công nghiệp CNTT như sản xuất phần cứng, phần mềm, nội dung số... chưa phát triển; quy mô đào tạo CNTT còn hạn chế và nhân lực CNTT còn thiếu.

Đồng loạt các giải pháp

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về CĐS tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ thành công trong CĐS, phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh cần tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết, cần chuyển đổi tư duy, nhận thức và kiến tạo thể chế về CĐS. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người nhận thức sự cần thiết, tính cấp bách của CĐS trong xã hội, lan truyền từ điểm tới diện, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Có thể lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm các ứng dụng, dịch vụ CĐS, phổ biến các kỹ năng số cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, DVCTT và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Thứ hai, phát triển hạ tầng, nền tảng số để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Sự thay đổi về phát triển hạ tầng cho CĐS sẽ nhắm tới 3 mũi nhọn sau: hạ tầng CNTT sẽ chuyển dịch sang hướng tận dụng điện toán đám mây (Cloud) và kiến trúc siêu hội tụ (Hyperconvergence). Mạng di động 4G sẽ trở thành phổ biến với định hướng dừng cung cấp 2G và 3G trong thời gian tới của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thử nghiệm 5G sẽ sớm có kết quả tốt để đưa vào trong cuộc sống, trở thành một nền tảng truyền thông quan trọng của kỷ nguyên số.

Phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Phát triển nền tảng số bao gồm: nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu; nền tảng IoT; nền tảng trí tuệ nhân tạo; nền tảng kết nối dịch vụ số hóa; nền tảng chuỗi khối (Blockchain) và nền tảng định danh điện tử (eID).

Thứ ba, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đây là nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm và triển khai để quá trình CĐS giảm thiểu các nguy cơ về tính riêng tư, hay tính an toàn, an ninh thông tin. Do đó, cần có đội ngũ chuyên viên có chuyên môn cao về an ninh, an toàn thông tin thông qua việc thành lập cơ quan vận hành Trung tâm Giám sát an toàn thông tin của tỉnh để đảm bảo giảm thiểu các rủi ro. Đặc biệt lưu ý xây dựng đội ứng cứu khẩn cấp để có thể phản ứng nhanh với các vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin của tỉnh. Phối hợp với các trường đại học, các viện... tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin cho tỉnh. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức an toàn thông tin trong nước, hình thành mạng lưới đảm bảo an toàn thông tin rộng khắp.

Thứ tư, tập trung nguồn lực xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Muốn vậy phải xây dựng hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; xây dựng kho dữ liệu dùng chung gồm cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu về người dân, cơ sở dữ liệu nền địa chính và một phần các kho dữ liệu này phải là dữ liệu mở. Song song đó, cần phải số hóa và phân tích sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền vì số hóa là một trong những việc đầu tiên cần làm của công cuộc CĐS. Về lâu dài, các loại thực thể khác nhau của nền kinh tế, của chính quyền, của xã hội đều cần được số hóa, sử dụng và khai thác.

Thứ năm, phát triển kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số là nền kinh tế vận hành gắn với quá trình số hóa, với sự sáng tạo và đổi mới các mô hình kinh doanh, sự chuyển đổi của các thành phần kinh tế, các lĩnh vực, doanh nghiệp, sản xuất và dịch vụ dựa vào tiến bộ của các công nghệ số.

Để thúc đẩy CĐS xã hội, cần tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở; hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS, hình thành văn hóa số. Cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho CĐS để phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Để chuyển đổi số thành công, mỗi người cần quyết tâm thay đổi từ quy trình làm việc mới đến mô hình hoạt động mới để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.

Trịnh Minh Châu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN