Đẩy mạnh tuyên truyền các dịch vụ hành chính công qua bưu điện

16/03/2018 - 08:02

BDK - Sau 6 tháng đồng loạt triển khai tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các điểm giao dịch bưu điện, ngày càng có nhiều người dân biết và sử dụng loại hình dịch vụ mới này.

Người dân sử dụng loại dịch vụ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua các điểm giao dịch bưu điện.

Người dân sử dụng loại dịch vụ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua các điểm giao dịch bưu điện.

Quảng bá dịch vụ đến người dân

Tại tỉnh, trước khi thực hiện Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, Bưu điện tỉnh đã xúc tiến nhiều dịch vụ lẻ ở đầu chuyển phát như: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội với một số cơ quan. Bà Nguyễn Thị Nhanh - Phó giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Khi triển khai cũng có sự vào cuộc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Bưu điện tỉnh đã có cuộc làm việc với UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện tốt thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Hiện tại, số điểm triển khai trên mạng lưới là 100% điểm giao dịch có tiếp nhận chiều trả kết quả. Riêng tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ hai chiều chỉ có 85 điểm”.

Đối với các bộ phận một cửa ở các sở, ngành có sản lượng giao dịch đông, Bưu điện cũng phối hợp với các cơ quan bố trí chỗ ngồi cho nhân viên Bưu điện tư vấn, giới thiệu. Nơi có sản lượng ít, phía Bưu điện đã trao đổi, quảng bá về dịch vụ cho cán bộ bộ phận một cửa để khi có hồ sơ thì giới thiệu qua một kênh khác ở Bưu điện cho khách hàng biết. Bên cạnh đó, điểm phục vụ của Bưu điện rất rộng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 157 điểm phục vụ/164 xã, phường. Ngoài bưu điện văn hóa xã, mỗi điểm đều có nhân viên bưu tá ở địa bàn phụ trách khá tốt.

Theo bà Nguyễn Thị Nhanh, cái khó hiện nay là công tác truyền thông chưa sâu. Cụ thể, việc thực hiện Quyết định số 45 chưa trở thành chuyên đề sinh hoạt tới ấp, tổ nhân dân tự quản để mọi người được biết. Người dân vẫn còn thói quen trực tiếp đến gặp người thụ lý hồ sơ để được giải đáp thắc mắc, nhờ tư vấn kỹ. Do đó, sản lượng chiều trả kết quả tương đối khá, nhưng chiều tiếp nhận chỉ mới phát sinh hồ sơ nhiều ở 3 đơn vị là Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Các đơn vị còn lại hầu như chưa có phát sinh.

Triển khai đến các bưu điện văn hóa xã

Thực tế cho thấy, khi triển khai Quyết định số 45, nhân viên bưu điện không chỉ trở thành người tư vấn về TTHC mà còn là “nhịp cầu nối” giữa chính quyền và người dân. Có gần 2 năm kinh nghiệm trong tiếp nhận chuyển phát hồ sơ đến tận nhà, chị Võ Thị Yến Lan - nhân viên bưu điện đang phục vụ chuyển phát chứng minh nhân dân tại Công an tỉnh chia sẻ: “Qua quan sát cá nhân, so với cách đây một năm, hiện người dân biết đến dịch vụ chuyển phát chứng minh nhân dân qua bưu điện khá nhiều, tăng gấp 3 - 4 lần so với trước. Đối với khách ở huyện, ngoài tỉnh khi đã biết dịch vụ này rồi thì lần sau sẽ tiếp tục sử dụng nữa. Hầu hết người dân khi sử dụng dịch vụ chuyển phát hồ sơ đến tận nhà đều xin số điện thoại cá nhân của mình. Họ gọi thăm chừng hoặc nhờ tư vấn khi có thắc mắc, điều chỉnh giấy tờ, điện thoại của tôi gần như reo liên tục”.

Mặc dù các giao dịch viên, kiểm soát viên đã được tập huấn, thế nhưng khi việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích ngày càng trở nên phổ biến, nhiều khó khăn cũng phát sinh như: do trong thời gian ngắn, nhân viên bưu điện phải tiếp nhận rất nhiều thông tin, thủ tục khác nhau dẫn đến lúng túng. Bên cạnh đó, hiện UBND tỉnh có gần 1.000 TTHC được phép tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, các thủ tục này được niêm yết công khai tại các điểm tiếp nhận và giá cước. Phía Bưu điện cho rằng, các cơ quan cũng cần niêm yết hồ sơ TTHC của mình trên website của đơn vị để người dân biết và tiện việc cập nhật những thông tin thay đổi về thành phần hồ sơ, để hồ sơ tiếp nhận không bị trả đi trả lại nhiều lần.

Bưu điện tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai dịch vụ hành chính công tại điểm bưu điện văn hóa xã. Theo đó, năm 2018, Bưu điện sẽ triển khai tại tất cả bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 3-2018, đoàn công tác do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì đã có cuộc khảo sát Bưu điện văn hóa xã Phú Túc (Châu Thành) về việc triển khai mô hình tiếp nhận và trả kết quả các TTHC cấp xã, kết quả khảo sát cho thấy Bưu điện văn hóa xã Phú Túc đã đủ điều kiện để triển khai mô hình.

Trước đó, vào tháng 12-2017, tại hội nghị trực tuyến sơ kết một năm thực hiện Quyết định số 45, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, với Quyết định số 45, bưu điện không chỉ là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của bộ máy hành chính mà còn phải hướng tới là đại diện của chính quyền.

Từ thực tiễn cơ sở, từng nhân viên bưu điện cần ghi chép, tập hợp những TTHC người dân sử dụng nhiều nhất, từ đó phối hợp với các cơ quan nhà nước để chuẩn hóa dịch vụ, thống nhất quy trình xử lý, phương thức giải quyết. Về kiến nghị cần phải đẩy nhanh quá trình đơn giản hóa giải quyết TTHC, Phó thủ tướng nhấn mạnh, chỉ có thể làm được nếu các bộ, ngành, địa phương tin học hóa bộ máy hành chính, xử lý hồ sơ công việc bằng máy tính, trên mạng và liên thông tất cả các cấp; tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 

Bài, ảnh: T. Thảo

Nhân viên bưu điện phải hiểu các TTHC để tư vấn cho bà con nhân dân. Đây là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực cả ngành bưu điện với sự hỗ trợ, tập huấn của các cơ quan giải quyết TTHC trước hết là những thủ tục người dân cần nhiều nhất.
Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN