Cần có chính sách thoả đáng cho cán bộ, nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội

25/11/2013 - 08:21

Bến Tre cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước, có Trung tâm bảo trợ xã hội, có Làng trẻ em SOS. Tất cả lực lượng lao động công tác tại những nơi này, không đòi hỏi gì về giá trị vật chất.

Bởi đối với họ, vào làm việc tại đây là thiện nguyện, là giúp xã hội giảm bớt gánh nặng trong chăm sóc, nuôi dạy nhóm đối tượng già yếu, neo đơn, là trẻ em cơ nhỡ, mồ côi không nơi nương tựa, không người thân chăm sóc, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Và bởi họ vào làm ở đây là lương tâm, là trách nhiệm giữa người với người trong cộng đồng. Xét theo chức năng, công việc thì các nơi này tương tự nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, chính sách đối với các mẹ, cán bộ, nhân viên ở các trung tâm nuôi trẻ mồ côi thuộc Nhà nước quản lý lại tốt hơn, họ được hưởng phụ cấp 75% nghề đặc biệt, còn những người làm việc tại các Làng trẻ em SOS thì không được hưởng. Lý do?

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) trả lời: Làng trẻ em SOS Việt Nam được thành lập trên cơ sở Hiệp định (22-12-1987) giữa Bộ LĐ-TB-XH và tổ chức Làng thiếu nhi quốc tế SOS (có trụ sở tại Vienna -Áo). Tổng số cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống Làng trẻ em Việt Nam là 1.126 người (cán bộ văn phòng Làng, các mẹ, các dì, thầy cô trường phổ thông Hermann Gmeiner, khối trường mẫu giáo). Hiện, chế độ chính sách, chế độ đào tạo, tiền lương, trợ cấp, ăn nghỉ, chăm sóc sức khoẻ… đối với những người lao động tại đây được thực hiện theo Hiệp định đã ký ngày 22-12-1987 và các Bản Ghi nhớ ký vào các năm 1990, 1992 và Qui chế về Bà mẹ Làng trẻ em SOS Việt Nam được ký năm 1993, 2013 giữa Bộ LĐ-TB-XH và Làng trẻ em SOS Quốc tế và Làng trẻ em SOS Việt Nam. Theo đó, các mẹ, các dì làm việc tại Làng thực hiện công việc: chia sẻ cuộc sống của mình với các con, chăm sóc, nuôi dạy, che chở và mang lại cho chúng các cơ hội phát triển, những mối quan hệ mới, lâu dài và tình yêu thương trong gia đình. Ngoài các qui định bắt buộc để thực hiện nhiệm vụ, các mẹ được hưởng một số chế độ: nghỉ phép, nhận tiền ăn hàng tháng, nhận tiền lương (theo bậc qui định); nếu hoàn cảnh khó khăn về nhà ở thì Làng sẽ bố trí nơi ở, được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (tham gia bảo hiểm y tế) và được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí…

Đối với cán bộ, nhân viên làm việc trong trung tâm, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi…,  có nhiệm vụ là điều trị phục hồi chức năng. Đó là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục hồi chức năng cho các đối tượng này. Họ phải tự túc chỗ ở. Hưởng lương theo thang bảng lương được ban hành kèm theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ. Về phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, do tính chất đặc thù nhiệm vụ và môi trường làm việc khác nhau nên được hưởng phụ cấp ưu đãi nhưng không vượt quá trên 70%/ mức lương, ngạch, bậc hiện hưởng.

Như vậy, nhiệm vụ, điều kiện sinh hoạt, môi trường sinh hoạt, chế độ chính sách tiền lương và các loại phúc lợi xã hội khác, các mẹ, các dì… làm việc trong hệ thống Làng SOS trẻ em Việt Nam luôn ở mức tốt so với nhiệm vụ, điều kiện sinh hoạt, chế độ chính sách… của nhân viên, viên chức làm việc trong các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi của Nhà nước.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN