Cần, kiệm để phát triển

01/01/2012 - 15:59

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa XI vừa kết thúc trong những ngày cuối năm 2011. Hội nghị xác định 4 lĩnh vực ưu tiên: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, và hạ tầng đô thị, đồng thời đề ra 4 nhóm giải pháp chính, gồm: nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; đổi mới chính sách giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng.

Để thực hiện những vấn đề cần ưu tiên đầu tư cho qui hoạch và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng rất cần nguồn đầu tư về tài chính, nguồn lực trí tuệ, nhân lực, vật lực. Hạ tầng kỹ thuật cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng đang là lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Hiện nay, có một bài toán kinh tế - xã hội cần giải quyết, đó là vừa tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, vừa phải tính toán nguồn lực để đầu tư vào những chương trình trọng tâm, trọng điểm vì sự phát triển bền vững. Bài học về cần, kiệm rất cần thiết được phát huy trong lúc này.

Người xưa đã khái quát bài học về cần, kiệm qua câu nói: Được mùa chớ phụ ngô, khoai/đến khi thất bát lấy ai bạn cùng. Lời khuyên của người xưa là: Khi đã làm ăn khá giả cũng không nên quá ngất ngây với thành công, chỉ lo hưởng thụ mà không lo dành dụm, chắt chiu phòng khi lúc “thất bát”, mất mùa, làm ăn không thuận lợi.

Với người dân Bến Tre, do đặc thù địa phương sống, làm ăn chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp với hai mũi nhọn chủ yếu là kinh tế thủy hải sản và kinh tế vườn. Song, hai lĩnh vực được gọi là thế mạnh này luôn phải va chạm với những qui luật nghiệt ngã mà không phải một sớm một chiều người sản xuất chế ngự được. Thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu, các loại dịch bệnh… luôn là những yếu tố bất thường của tự nhiên tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất của người lao động. Nếu suy luận thêm, các nông sản như tôm, cá, nghêu, sò, cua, và cả bưởi, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt lại là đầu vào cho các hoạt động công nghiệp chế biến và hoạt động thương mại phục vụ xuất khẩu thì vai trò giữ vững thị trường và uy tín thương hiệu nông sản Bến Tre càng trở nên quan trọng. Ông, bà xưa đã từng đúc kết: Một người lo bằng kho người làm. Người biết lo là người biết tính toán trước sau, lo hôm nay mà nghĩ đến ngày mai, lo đời mình lại lo cho cả tương lai con cháu. “Cái lo” theo cách hiểu của người xưa chính là tư duy chiến lược, tư duy qui hoạch, là chương trình hành động mà Nhà nước và nhân dân đang thực hiện hiện nay trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cần, kiệm là cần thiết khi mà Nhà nước, người biết lo đã chuẩn bị tâm thế khi bước vào năm mới 2012 với nhiều thách thức. Không chỉ là dự báo nữa mà trong thực tế đã diễn ra tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng nợ công và lạm phát tăng cao còn kéo dài ở nhiều nước. Một số nền kinh tế lớn thế giới chựng lại và “chuyển ngôi” cho một số nước đang phát triển. Khi chính phủ nhiều nước “thắt hầu bao” và dùng rào cản thương mại để vực dạây nền kinh tế của mình thì cũng đồng nghĩa sẽ “làm khó” đối với hàng hóa của các nước đang phát triển.

Năm 2012, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ đề chính là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Trong quan niệm về đạo đức người cách mạng của Người, hai đức tính Cần, Kiệm được đặt lên hàng đầu. Hồ Chủ tịch đã phân tích rõ nội dung hai đức tính quan trọng này để cán bộ, nhân dân dễ hiểu, dễ vận dụng. Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ để cộng lại thành cái to, tiết kiệm là không xa xỉ, hoang phí, không phô trương hình thức…

Cần, kiệm nói riêng và những giá trị của con người Việt Nam XHCN nói chung cần trở thành nếp sống, hành vi của mọi người, và trở thành một yếu tố quan trọng trong phong cách người làm công tác quản lý, lãnh đạo.

Trong thực tế, một số cơ quan tổng kết cuối năm, hoặc tại địa bàn xã khi tổ chức đám tiệc vẫn còn cảnh “chè chén lu bù”. Việc sử dụng xe công để đi làm việc riêng vẫn còn. Việc cải cách hành chính đã có nhiều tiến bộ, song một số khâu vẫn chậm cải tiến làm mất nhiều thời gian, kinh phí đi lại của nhân dân, doanh nghiệp, đối tác.

Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, rất cần thiết đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Qui hoạch phát triển nguồn nhân lực địa phương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Bởi, chỉ có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì năng suất, hiệu quả lao động mới nâng cao về chất. Công nhân lành nghề cho các khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao là yếu tố con người quyết định việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa vào dây chuyền sản xuất. Đó là biểu hiện của cần, kiệm trong nền sản xuất hàng hóa, tập trung, chuyên môn hóa sâu trong giai đoạn hiện nay. Cần, kiệm còn mục tiêu là tích lũy, tái đầu tư. Năm 2012, Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ việc qui hoạch và thực hiện qui hoạch 25 xã điểm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Người dân nông thôn chính là chủ thể của sự vận động đổi thay lớn lao này. Với phương châm “Lấy sức dân làm lợi cho dân”, cần và kiệm là tiền đề phát huy sức mạnh quần chúng để nông nghiệp, nông thôn, nông dân địa phương nhanh chóng chuyển mình an khang, thịnh vượng, phát triển bền vững.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN