Chọn đúng trọng tâm để phát triển bền vững

04/08/2010 - 08:46
Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng ở Mỏ Cày Bắc. Ảnh: PY

"Bao quát, toàn diện trong chỉ đạo, điều hành nhưng phải chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để định hướng phát triển lâu dài trên từng mặt gắn với nhiệm vụ trước mắt phù hợp với thực tiễn, khách quan, khả thi để đảm bảo tính bền vững” – Bí thư Huyện ủy lâm thời Mỏ Cày Bắc Nguyễn Vũ Thanh nói về kinh nghiệm của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Mỏ Cày Bắc khi nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện (4 năm của Mỏ Cày và 1 năm của Mỏ Cày Bắc). Chọn khâu đột phá trên từng lĩnh vực, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến - chính lối đi này đã giúp huyện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu chủ yếu so với kế hoạch đề ra.

Mỏ Cày Bắc xác định thế mạnh của mình là nông nghiệp toàn diện kết hợp với công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Vẫn với cây dừa chủ đạo nhưng người dân Mỏ Cày Bắc đã đẩy mạnh việc trồng xen, nuôi xen. Toàn huyện hiện có 7.000ha dừa, 4.300 ha cây ăn trái, trong đó phần lớn diện tích dừa được trồng xen cây có múi, ca cao. Những năm gần đây, Mỏ Cày Bắc xuất hiện nhiều loại cây trồng mới như bưởi da xanh, ca cao, mận An Phước, dừa dứa, dừa xiêm, bắp lai… Điểm đột phá ở đây chính là nhiều nông hộ trồng cây không phải chỉ lấy trái mà còn để… bán giống. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Vũ Thanh tự hào: “Ở đây, từ em nhỏ đến cụ già đều rất rành rẽ việc ghép bo nhân giống. Nhiều hộ chỉ vài công đất trồng cam nhưng thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm do đầu tư làm giống”. Kinh tế vườn phát triển mạnh, nhiều hộ dân được khuyến khích và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chính vì vậy, chỉ trong 5 năm, huyện có trên 700 ha trồng lúa, mía được chuyển sang trồng loại cây khác hiệu quả hơn.
Cùng với cây trồng, chăn nuôi cũng là thế mạnh của Mỏ Cày Bắc. Có thể nói chưa bao giờ phong trào nuôi heo ở đây phát triển mạnh như những năm gần đây. So với đầu nhiệm kỳ, heo ở Mỏ Cày Bắc tăng thêm 27.200 con (hiện có trên 70.000 con), bò tăng thêm 5.700 con (hiện có 18.000 con). Ngoài ra, còn có trên 5.900 con dê, 400.000 con gia cầm. Nhiều gia đình chăn nuôi với qui mô trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên việc chăn nuôi mang lại hiệu quả khá cao. Hiện huyện đã có 159 hộ chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại.
Một thế mạnh đặc biệt của Mỏ Cày Bắc là phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn được với chế biến hàng nông sản tại địa phương. 731 cơ sở (tăng thêm 140 cơ sở trong 5 năm qua) sản xuất, chế biến các loại sản phẩm chủ yếu như chỉ xơ dừa, than thiêu kết, bánh kẹo. Nhiều cơ sở đã mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các làng nghề được duy trì và phát triển. Mạng lưới sản xuất, gia công chế biến các sản phẩm từ dừa và một số ngành nghề khác tiếp tục mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm và tạo thu nhập tương đối ổn định cho hơn 5.000 lao động tại địa phương.
Với những gì đã đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Mỏ Cày Bắc đánh giá, kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng. Khu vực nông nghiệp giảm từ 55,73% xuống còn 50,87%; công nghiệp và xây dựng tăng lên 17,13%; thương mại, dịch vụ từ 26,7% lên 32% so với đầu nhiệm kỳ. Giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng bình quân 7,17%/năm; công nghiệp xây dựng tăng 22,05%/năm; thương mại – dịch vụ tăng 27,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,8 triệu đồng/người/năm (đầu nhiệm kỳ) lên 13 triệu đồng/người/năm…
Lĩnh vực văn hóa – xã hội được đầu tư khá. Đội ngũ giáo viên và cán bộ được sắp xếp, tăng cường về số lượng, nâng dần về chất lượng. Công tác Đảng, đoàn thể trong nhà trường được quan tâm và hoạt động khá đồng bộ, hiệu quả (tỉ lệ đảng viên trong nhà trường đạt 42%, vượt 14% so nghị quyết). Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện khá tốt. Đặc biệt, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa đã làm cho diện mạo của huyện có nhiều khởi sắc. Toàn huyện hiện có 96,15% hộ, 9/13 xã, 102/102 ấp, 46/60 cơ sở thờ tự, 62/72 cơ quan, 45/46 trường học được công nhận danh hiệu văn hóa. Huyện đã phối hợp ngành chức năng lập dự án nâng cấp khu di tích lịch sử cấp quốc gia Khu ủy Sài Gòn - Gia Định nhằm góp phần giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của người dân địa phương.
Ở một huyện có lịch sử đấu tranh hào hùng như Mỏ Cày, nay là Mỏ Cày Bắc thì công tác chính sách xã hội cần được quan tâm hơn. Trong nhiệm kỳ, huyện đã giải quyết dứt điểm trên 5.000 hồ sơ cho đối tượng thuộc diện chính sách theo Quyết định 290, 188, 142 của Chính phủ và hàng trăm hồ sơ thuộc các diện chính sách khác. Huyện cũng đã hoàn thành việc xây nhà ở cho mẹ VNAH, gia đình có 2 liệt sĩ và thương binh hạng 1 gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn, giải quyết việc làm, thông qua các nguồn vận động, huyện đã xây dựng được 503 nhà tình nghĩa, 683 nhà tình thương và tặng sổ tiết kiệm cho gia đình có công, tổng số tiền trên 19,6 tỉ đồng.
Đánh giá về vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Vũ Thanh cho biết: “Trong lãnh đạo, chúng tôi luôn đặt công tác cán bộ lên hàng đầu; xem công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và có tầm quan trọng, chiến lược, có ý nghĩa quyết định”. Khó khăn của Mỏ Cày Bắc là vừa mới tách huyện, cơ sở vật chất còn tạm bợ, đội ngũ cán bộ còn thiếu và một số còn mới, chưa có kinh nghiệm… Nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được phát huy. Số cán bộ được đưa đi chuẩn hóa về văn hóa, chính trị và chuyên môn tăng nhanh. 366 cán bộ được cử đi học bậc trung cấp, 88 cao cấp và 53 đại học đã góp phần nâng cao năng lực công tác trong đội ngũ cán bộ huyện và cơ sở. Mặt khác, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được thực hiện thường xuyên. Trên 95% đảng viên thường xuyên tham gia các cuộc học tập chính trị và sinh hoạt Đảng. Qua đánh giá chất lượng, đa số đảng viên trong Đảng bộ đều vững vàng về chính trị, tư tưởng, thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hằng năm đều tăng, không có cơ sở yếu kém.
Mặc dù còn những hạn chế, khó khăn cần tiếp tục khắc phục, vượt qua nhưng nhìn chung Đảng bộ và nhân dân Mỏ Cày Bắc đã phấn đấu và đạt những thành tựu đáng kể. Đây là nền tảng quan trọng để Mỏ Cày Bắc tự tin tập trung mọi nguồn lực để phát triển nhanh, mạnh trong nhiệm kỳ mới của Đảng bộ huyện.


 

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN