Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang lan tỏa ở ngoài nước

22/02/2009 - 15:37

Qua sơ kết 2 năm (2007-2008) triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp uỷ, cơ quan đại diện ở ngoài nước đã khắc phục khó khăn, có cách làm công phu, sáng tạo, bước đầu có những kết quả và kinh nghiệm thiết thực, tạo cơ sở cho việc triển khai các nội dung tiếp theo sâu rộng hơn trong những năm tới.

Cộng đồng người việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi chúng ta đang tiến sâu vào sự hội nhập và tham gia đa dạng các tổ chức quốc tế. Hiện nay có hơn 3,5 triệu người Việt Nam sinh sống, cư trú, lao động, học tập, làm việc ở trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, nếu chỉ tính riêng lưu học sinh đã có trên 65.000 người (trong đó 95% du học tự túc) và lao động xuất khẩu trên 570.000 người (làm việc trên 40 địa bàn). Những sinh hoạt chính trị, xã hội trong nước đều phải gắn với công đồng ta ở nước ngoài thông qua công tác vận động quần chúng của các tổ chức đảng. Đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong điều kiện hiện nay khi mà các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ, chống phá ta về mọi mặt, trong đó chúng tập trung hướng vào lớp trẻ. Tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở ngoài nước là một biện pháp hữu hiệu trong việc quy tụ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, hướng về quê hương đất nước, về Bác Hồ kính yêu.

Sự lan toả của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' ở ngoài nước từ góc độ nhìn nhận, đánh giá trong 2 năm vừa qua, khái quát những mặt được cơ bản đó là:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai Cuộc vận động của các cấp uỷ, cơ quan đại diện đã có những cố gắng lớn trong công tác phối hợp mở các lớp báo cáo viên tại 3 khu vực (Châu Á- Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ). Việc tổ chức quán triệt, học tập cho cán bộ, đảng viên trong và ngoài cơ quan đại diện, cán bộ chủ chốt trong các tổ chức quần chúng về các chuyên đề trọng tâm và các bước tiến hành Cuộc vận động.

Thứ hai, các nội dung triển khai sau học tập như xây dựng Chương trình hành động, viết thu hoạch, liên hệ kiểm điểm, xây dựng kế hoạch phấn đấu, đánh giá thực trạng tình hình đạo đức, lối sống, cụ thể hoá ''Tiêu chuẩn đạo đức, lối sống'' của cán bộ, đảng viên đã được các cấp uỷ, cơ quan đại điện triển khai công phu, phù hợp với đặc điểm của địa bàn. Ở những nơi thuận lợi, đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên đối với cán bộ, đảng viên trong và ngoài cơ quan đại diện. Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động ở ngoài nước đã được các cấp uỷ, cơ quan đại diện quan tâm, chú trọng. Nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, tập trung chủ yếu vào khu vực có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập, làm cho việc tuyên truyền thiết thực.

Thứ tư, tổ chức có hiệu quả, sinh động về Hội thi kể chuyện về tấm gương

đạo đức Hồ Chí Minh''. Đảng uỷ Ngoài nước đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các báo, đài triển khai về Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' đối với cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước. Qua Hội thi cơ sở và địa bàn nước đã chọn cử 30 thí sinh xuất sắc từ 20 nước đại diện cho 3,5 triệu cộng đồng người Việt Nam sinh sống làm việc, học tập, lao động ở ngoài nước về tham gia Hội thi sơ khảo khu vực V (dành cho người Việt Nam ở nước ngoài) và thi chung khảo toàn quốc. Kết quả tại Hội thi khu vực V, Ban Tổ chức đã trao l giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; tại Hội thi chung khảo toàn quốc đã có 3 thí sinh đạt giải khuyến khích. Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp uỷ phối hợp tốt với cơ quan đại diện, các hội, đoàn thể tổ chức triển khai bảo đảm tính thiết thực và tiết kiệm, phù hợp với đối tượng và địa bàn ở ngoài nước. Hội thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa hết sức to lớn, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của số đông cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập ở ngoài nước, tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, thiện cảm đối với bạn bè quốc tế.

Bước đầu triển khai kế hoạch về Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí theo chủ đề tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sưu tầm tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở ngoài nước tại một số địa bàn. Tuy chưa phát động rộng rãi trong toàn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài song đã hướng dẫn một số cấp uỷ tiến hành thí điểm nội dung này nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác và Hội thi kể chuyện đã có những kết quả rất đáng khích lệ như ở Đảng bộ Nga, Đức, Séc, Trung Quốc, Cuba. Đảng bộ Bungari nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đến thăm (8/1958 – 8/2008) đã biên tập 2 cuốn sách ''Bác Hồ trên đất nước hoa Hồng'' bằng 2 thứ tiếng, tập hợp 51 bức ảnh, 141 trang tư liệu (bằng tiếng Bungari và tiếng Pháp), 6 bài hồi ký của các nhân chứng lịch sử, 18 trang báo viết về Bác, các tư liệu trên đều được thẩm định và bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đảng bộ Campuchia đã phát động cuộc thi sáng tác thơ văn, bước đầu đã có 29 tác phẩm văn xuôi, 6 bài thơ, 20 tiết mục văn nghệ. Đảng bộ tại Thái Lan sưu tầm những mẩu chuyện thời Bác Hồ hoạt động tại Thái Lan, Đảng bộ Hàn Quốc được sự phối hợp của một số nhà khoa học xã hội nước sở tại tổ chức thi, triển lãm Thư pháp ''Nhật ký trong tù''…

Thứ năm, chỉ đạo điểm có hiệu quả và rút ra được những kinh nghiệm hay. Do đặc thù tổ chức đảng và đảng viên hoạt động ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng phân bố không đều, tính chất phức tạp ở mỗi nước khác nhau. Đảng uỷ Ngoài nước đã tiến hành lựa chọn chỉ đạo điểm ở một số Đảng bộ, chi bộ trong đó tập trung vào ba nội dung là: Tổ chức học tập chuyên đề thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, quan liêu; xây dựng tiêu chí đạo đức của cán bộ, đảng viên, sinh viên trong cơ quan đại diện, lưu học sinh; tổ chức Hội thi kể chuyện trong cộng đồng. Kết quả các đảng bộ được chọn làm điểm nhận thức của cán bộ đảng viên chuyển biến tốt hơn trong công tác, học tập và sinh hoạt; khắc phục những tồn tại về lãng phí, lề lối làm việc, tác phong cộng tác, đoàn kết nội bộ.

Đánh giá chung kết quả 2 năm thực hiện Cuộc vận động ở ngoài nước, cán bộ, đảng viên đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, thấy rõ đây là việc làm thiết thực, thường xuyên, có tác động làm chuyển biến về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, chấn chỉnh tác phong, cải tiến lề lối làm việc, chất lượng công tác. Cuộc vận động đã được tổ chức thực hiện theo các bước làm chặt chẽ, hệ thống do đó đã kết hợp từ ''học tập'' sang “làm theo'' trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, quần chúng, xuất hiện những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng. Đối với cán bộ, đảng viên, niềm tin vào kết quả của Cuộc vận động được khẳng định ở số đông; hầu hết các cấp uỷ đã có quyết tâm trong tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn, nhiều cấp uỷ có cách làm linh hoạt với điều kiện đặc thù của từng nước. Thông qua công tác tuyên truyền và các hoạt động mang tính xã hội theo nội dung Cuộc vận động, bước đầu đã lan toả đến cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, công tác, lao động và học tập ở ngoài nước hiểu đầy đủ hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tự hào về lãnh tụ kính yêu của dân tộc thông qua các báo, tập san, wesbite hoặc các hoạt động khác của cộng đồng như tổ chức đêm thơ, giao lưu văn nghệ, xây dựng tủ sách, triển lãm ảnh, lập bàn thờ Bác Hồ, tổ chức dâng hương và thường xuyên cung cấp thông tin tuần, chuyên đề, sách, báo, đĩa hình về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các cấp uỷ phục vụ Cuộc vận động và Hội thi kể chuyện ở ngoài nước phong phú hơn.

Một số cấp uỷ và cơ quan đại diện làm tốt như Liên bang Nga, Trung Quốc, Cuba, Séc, Bungari, Lào, Libya, Hàn Quốc, Pháp, Braxin, Italia, Campuchia, Indonexia, Phillippin, Nhật Bản, Newzealand và Đảng bộ cơ quan Đảng uỷ Ngoài nước. Về kết quả cụ thể đã có 84,2% đảng bộ và 74,4% chi bộ trực thuộc, 85% đảng viên được nghe quán triệt, học tập chuyên đề bảo đảm chất lượng; 90 % cấp uỷ trong và ngoài cơ quan đại diện xây dựng tiêu chí cụ thể về thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí, sửa đổi lề lối làm việc. Về xây dựng chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên đã bám sát 4 tiêu chí ''cần, kiệm, liêm, chính'' theo tấm gương của Bác, từ đó cụ thể hoá phù hợp với tình hình thực tế, sát với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo. Xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Hồ Chí Minh đã có tác động làm chuyển biến chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên đang công tác, học tập, lao động ở ngoài nước so với trước. Các cấp uỷ đã đưa nội dung Cuộc vận động vào chế độ sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Cũng từ việc xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương của Bác đã góp phần nâng cao chất lượng của các đảng bộ, chi bộ, đảng viên năng 2008, số tổ chức cơ sở đảng đạt “trong sạch vững mạnh”, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đều tăng, đảng viên vi phạm kỷ luật giảm so với năm 2007. Các cấp uỷ, cơ quan đại diện đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhiều biện pháp chỉ đạo cụ thể; công tác tuyên tuyền được chú trọng, kế hoạch, nội dung, chương trình, các bước tiến hành Cuộc vận động ở địa bàn thống nhất cao, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc tổ chức học tập, nghiên cứu, liên hệ, kiểm điểm, tiếp thu ý kiến phê bình, xây dựng tiêu chí đạo đức được đánh giá nghiêm túc, thẳng thắn, đoàn kết.

Tuy nhiên, cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế đó là:

Triển khai các nội dung Cuộc vận động mới tập trung ở đảng bộ, chi bộ cơ quan đại diện, các đối tượng khác chưa làm được nhiều; công tác phối kết hợp chưa linh hoạt, đảng bộ; thực hiện các bước, nội dung có nơi còn chưa triệt để, do đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức ý nghĩa, tầm quan trong còn chưa rõ, cho rằng mục đích chỉ nhằm ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay mà chưa thấy hết tầm chiến lược trong công tác giáo dục, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập các chuyên đề ở một số địa bàn còn mang tính hình thức, chưa coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, lâu dài,

thường xuyên; chưa vận dụng và gắn với tình hình của cơ quan, đơn vị mình; giải pháp thực hiện ở một số địa bàn còn thiếu chủ động, ỷ lại vào điều kiện khó khăn, đặc thù.

Công tác tuyên truyền chưa được đầu tư đúng mức (nhất là công tác thông tin, tuyên truyền từ trong nước ra); chưa phát hiện được nhiều nhân tố tích cực, điển hình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nơi còn lúng túng, chưa kết hợp tốt giữa cấp uỷ và cơ quan đại diện; kế hoạch thiếu cụ thể, hình thức tổ chức triển khai còn giản đơn; việc hướng dẫn cho đảng viên sinh hoạt lẻ, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, lao động xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Việc xây dựng tiêu chí đạo đức lối sống, lấy ý kiến của quần chúng ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, thiếu cụ thể hoá vào điều kiện của từng đối tượng. Thông qua công tác kiểm tra, việc chuyển trọng tâm Cuộc vận động từ ''nhận thức'' sang ''làm theo'' còn ở những mức độ, tính chất khác nhau, tuy đã phát hiện được những tập thể, cá nhân có ảnh hưởng tốt trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng nhưng chưa nhiều, sự lan toả trong cộng đồng chưa rộng.

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Cuộc vận động gặp nhiều khó khăn, chưa có điều kiện kiểm tra thực tế ở những nơi không làm điểm. Qua kiểm tra thấy rằng việc tổ chức học tập các chuyên đề ở những nơi không làm điểm chất lượng nhìn chung chưa cao, chủ yếu là tự nghiên cứu, tài liệu cho đảng viên sinh hoạt lẻ còn thiếu; việc liên hệ, kiểm điểm, lấy ý kiến của quần chúng, xây dựng tiêu chí đạo đức còn chung chung; tổ chức Hội thi kể chuyện biện pháp tổ chức thực hiện lúng túng, chưa gắn với hiệu quả; sự chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên chưa rõ rệt. Đới với các đơn vị chọn làm điểm chưa có những kết quả nổi trội, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo; công tác điều hành, kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm chưa kịp thời còn phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo từ trong nước.

Kinh nghiệm bước đầu, qua 2 năm thực hiện Cuộc vận động ở ngoài nước: Một là, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp uỷ và cơ quan đại diện trong tổ chức triển khai Cuộc vận động; hình thức, phương pháp quán triệt, tuyên truyền, tổ chức học tập, liên hệ kiểm điểm, lấy ý kiến của quần chúng, xây dựng tiêu chí đạo đức cần có sự lựa chọn kỹ, vận dụng linh hoạt, phù hợp với đơn vị, địa bàn và đối tượng.

Hai là, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan đại diện, tổ chức quần chúng; có kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể, tạo sự đoàn kết nhất trí cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; kịp thời, rút kinh nghiệm, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm, khó khăn; nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể, lồng ghép với các nội dung khác để triển khai Cuộc vận động có hiệu quả.

Ba là, phát động tinh thần tự giác rèn luyện, ý thức học tập thường xuyên của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò giám sát của quần chúng; phát hiện những nhân tố tích cực để cổ vũ, động viên, tuyên truyền tạo sự hưởng ứng trong cộng đồng. Lựa chọn những nội dung trọng tâm, then chốt của Cuộc vận động làm chỉ tiêu phấn đấu, rèn luyện, nhận xét đánh giá cán bộ, chất lương tổ chức đảng, đảng viên hàng năm; tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng.

Năng 2009, theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo trung ương về Cuộc vận động, Đảng uỷ Ngoài nước đã cụ thể hoá để tổ chức triển khai các nội dung theo đúng tiến độ. Trong đó có 2 nội dung cần được phối hợp của các bộ, ban, ngành, các báo đài Trung ương đó là: Phát động Cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với người Việt Nam ở nước ngoài và sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ở ngoài nước. Phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong thời gian tới bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, song Đảng uỷ Ngoài nước cũng nhận thấy cũng còn không ít khó khăn, phức tạp, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh Cuộc vận động ra ngoài nước, đưa nội dung Cuộc vận động đi vào đời sống của cộng đồng người Việt Nam và tạo được sự lan tỏa rộng lớn là một việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, là nhịp cầu gắn kết kiều bào đời với quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc sẽ luôn được thắp sáng trong mỗi tấm lòng những người con xa Tổ quốc.

Nguồn ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN