Đề nghị Nhà nước có chính sách và biện pháp bình ổn giá một số mặt hàng nông sản thiết yếu

24/02/2014 - 07:41

Cử tri xã Mỹ Hưng (Thạnh Phú) phản ánh: giá mía xuống thấp gây khó khăn cho người trồng mía, Nhà nước cần tác động hỗ trợ. Cử tri nhiều xã của huyện đồng đề nghị Nhà nước có chính sách và biện pháp bình ổn giá một số mặt hàng nông sản thiết yếu, vì các mặt hàng này giá cả không ổn định, người dân không yên tâm sản xuất.

Ông Lâm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú trả lời: Giá một số mặt hàng nông sản thấp là vấn đề khó khăn chung, UBND huyện cũng đã đề xuất, kiến nghị về tỉnh. Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước còn khó khăn nên chỉ áp dụng bình ổn giá ở một số mặt hàng thiết yếu. Đối với kiến nghị của bà con cử tri, UBND huyện xin ghi nhận và tiếp tục kiến nghị với tỉnh. Để từng bước giúp người dân ổn định sản xuất, UBND huyện có phối hợp với Công ty Mía đường Bến Tre, các ngành tỉnh, huyện, xã và nông dân trồng mía hình thành mô hình liên kết chuỗi giá trị cây mía nhằm chuyển giao kỹ thuật, cơ giới hóa để tăng năng suất, giảm chi phí nhân công, tăng lợi nhuận cho người trồng mía. Qua đây, đề nghị lãnh đạo các ngành, địa phương và bà con trồng mía quan tâm tham gia, liên kết hình thành mô hình hiệu quả này.

Cử tri xã Tân Phong đề nghị nạo vét tuyến kênh Triền Dòng, kênh Dinh Bà (ấp Phú), kênh Đìa Gừa (ấp Thạnh B) hiện nay bị cạn, gây khó khăn cho canh tác, đề nghị cần nạo vét sớm để phục vụ sản xuất. Việc đóng, mở cửa cống cần đảm bảo ngăn được nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng sản xuất.

- Vấn đề này, UBND huyện xin tiếp thu và chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Tân Phong khảo sát, họp dân thống nhất trình xin vốn tỉnh. Theo chủ trương thì công trình thủy lợi triển khai thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Do vậy, việc đào mới hay nạo vét phải được sự đồng thuận của nhân dân vùng dự án. Hiện nay, nguồn vốn thủy lợi nội đồng không thiếu, vì vậy, đề nghị UBND xã Tân Phong tổ chức họp dân, cam kết đảm bảo mặt bằng thi công, tỉnh và huyện sẽ đầu tư. Riêng việc đóng, mở cống đến nay vẫn đảm bảo. Việc ảnh hưởng mặn đến sản xuất lúa là do hệ thống đê bao ngọt hóa 814 của huyện phía sông Hàm Luông chưa được hoàn chỉnh, khép kín. Để khắc phục tình hình nhiễm mặn mà bà con cử tri nêu trên, huyện sẽ kiến nghị tỉnh, Trung ương quan tâm, đầu tư hoàn chỉnh, khép kín tuyến đê bao ngọt hóa 814.

Cử tri xã An Qui phản ánh: đơn vị thi công nạo vét kênh Rạch Cũ (bằng kobe) không đảm bảo theo thiết kế; công tác nghiệm thu không đi thực tế mà thực hiện nghiệm thu nội bộ. Nạo vét kênh ấp Xương Thới III (Thới Thạnh) không theo yêu cầu của địa phương, không công khai qui cách đã hợp đồng và thiết kế; cần hỗ trợ tôn tạo cao đê cặp sông Cổ Chiên để khắc phục nước tràn ngập.

- Việc nạo vét kênh bằng phương tiện nào là do phương án thiết kế và năng lực của nhà thầu mà đơn vị chủ đầu tư xem xét, lựa chọn. Trước khi công trình đưa vào sử dụng, chủ đầu tư đã phối hợp với các địa phương đi sơ bộ nghiệm thu từng hạng mục, nghiệm thu kỹ thuật, nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và sau cùng là tổng nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng. Qua phản ánh của cử tri, UBND huyện yêu cầu UBND xã An Qui, Thới Thạnh có văn bản trả lời cụ thể cho bà con cử tri rõ. Riêng việc tôn cao đê Cổ Chiên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tư vấn, lập xong hồ sơ và đang chuẩn bị thi công.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN