Đưa Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vào cuộc sống

06/05/2012 - 16:53

Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI (NQTW4) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” xác định: Phát triển kết cấu hạ tầng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người đều có trách nhiệm tham gia đóng góp.

Trong tiến trình phát triển đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, chủ động hội nhập quốc tế và để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, cả nước và mỗi địa phương phải giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu đồng bộ và bất cập làm cho nhiều nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Biểu hiện để nhận biết sự không đồng bộ trong kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực thường được nhắc tới nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoặc là chuyện làm đường và đào đường chưa có sự phối hợp tốt của ngành điện, cấp thoát nước, viễn thông, hoặc xây dựng khu công nghiệp lại thiếu khu nhà ở của công nhân, hiện tượng qui hoạch “treo” kéo dài khiến bộ phận dân cư trong khu vực qui hoạch chưa “an cư lạc nghiệp”, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng có lúc, có nơi chưa thực hiện nhất quán, chưa lường hết những biến động giá cả thị trường…

Hệ thống kết cấu hạ tầng là “cốt vật chất” bao gồm toàn bộ cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân bảo đảm những điều kiện cần thiết cho quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội. Trong khoa học về kinh tế chính trị, kết cấu hạ tầng là một bộ phận của cơ sở hạ tầng đặt trong mối quan hệ biện chứng với kiến trúc thượng tầng. Do vai trò tiên quyết, quan trọng của kết cấu hạ tầng chi phối nền tảng và khả năng phát triển của từng lĩnh vực kinh tế mà người ta thường phân chia kết cấu hạ tầng tương ứng với lĩnh vực mà nó chi phối như kết cấu hạ tầng công nghiệp, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, kết cấu hạ tầng hoạt động tài chính - ngân hàng… Bên cạnh cách xác định tên gọi của từng loại kết cấu hạ tầng đó, khi tiến hành từng nhiệm vụ cụ thể, không thể không tính đến hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật của công tác đặc thù. Do vậy, khi tiến hành kế hoạch, chương trình hành động, người quản lý, lãnh đạo luôn phải tính đến những yếu tố kết cấu hạ tầng cần thiết bảo đảm cho sự vận hành triển khai kế hoạch đạt hiệu quả. Hiện nay, trong quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, không chỉ cán bộ, đảng viên mà các tầng lớp nhân dân đã tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều khái niệm kết cấu hạ tầng trong qui hoạch giao thông nông thôn, trong phát triển khu công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển vùng chuyên canh cây trái đặc sản, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản…

Hiện nay, trong quá trình triển khai quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện NQTW4 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, các cấp, các ngành tại địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong quá trình đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại tỉnh, đặc biệt là hoàn thành nhiều hạng mục công trình giao thông, thủy lợi lớn, thiết chế văn hóa xã, các khu công nghiệp trọng điểm, hệ thống đê bao ven biển… Tuy vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Qua đánh giá của lãnh đạo tỉnh, nổi lên một số vấn đề cần sớm được giải quyết. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng trên nhiều địa bàn và một số lĩnh vực kinh tế thiếu tính gắn kết, quá trình đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng giao thông chưa tương xứng, một số công trình thủy lợi tưới tiêu, ngăn mặn chưa đồng bộ và phát huy hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, hạ tầng cơ sở vật chất - kỹ thuật tại địa bàn nông thôn còn yếu và chưa đồng bộ so với yêu cầu chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa Bến Tre đã tổ chức nhiều hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch hoạt động, tập trung vào những vướng mắc khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại 25 xã điểm. Nhiều vấn đề bức xúc tại cơ sở cũng xoay quanh khâu qui hoạch không gian địa bàn xã theo mô hình nông thôn mới, trong đó việc xây mới và điều chỉnh hạ tầng giao thông theo chuẩn quốc gia, phân bố quỹ đất dành cho sản xuất, sinh hoạt, nghĩa trang, nhà văn hóa, chợ nông thôn… là mối quan tâm để Nhà nước, nhân dân cùng bàn, cùng làm với mục tiêu người dân được hưởng thụ trực tiếp hiệu quả mà nông thôn mới mang lại.

Hiện nay, việc đưa NQTW4 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vào cuộc sống vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị vừa là đòi hỏi bức thiết của nhân dân, bởi xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá để những tiềm năng kinh tế có điều kiện phát huy trong môi trường sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập hộ gia đình, giảm hộ nghèo bền vững, tăng khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ hiện đại, cải thiện điều kiện sống và sức khỏe cộng đồng. Để đạt được mong muốn đó, trước hết phải có sự đổi mới về tư duy, cách làm về 3 vấn đề trọng tâm: qui hoạch, tổ chức quản lý và khai thác nguồn lực để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trên cơ sở thực hiện NQTW4 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân ưu tiên huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các lĩnh vực: hạ tầng thủy lợi, phát triển đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc và hạ tầng y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, gắn kết chặt chẽ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN