Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược

25/09/2013 - 08:20

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống những luận điểm khoa học rộng lớn, sâu sắc và phong phú trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tư tưởng của Người là một kho tàng những giá trị nhân văn cao cả, một trong những giá trị đó là chiến lược “trồng người”. Chiến lược ấy là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt cả cuộc đời Người, nó có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Người dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đối với Hồ Chí Minh, con người là sự thống nhất của hai mặt đối lập: thiện và ác, hay và dở, tốt và xấu... nhưng con người luôn có xu hướng vươn tới cái chân thiện mỹ, có khả năng sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng, phải biết coi trọng, chăm lo cho con người để động lực đó càng mạnh mẽ hơn, càng cống hiến và phục vụ tốt hơn. Thực tiễn đã chứng minh, muốn hái quả thì phải trồng cây và trồng chăm sóc tốt sẽ cho quả lành, quả ngọt. Muốn có con người hữu ích thì phải vung trồng, chắc chiu và giáo dục ngay từ nhỏ. “Trồng người” là công việc vừa cấp bách vừa lâu dài, hay nói đúng hơn, đó là chiến lược của một quốc gia.

Để thực hiện chiến lược “trồng người” Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác giáo dục và đào tạo. Người những quan điểm mang tầm vóc chiến lược, mong muốn biến khát vọng và chủ trương của các thế hệ cha anh về “khai dân trí” thành hiện thực. Người chỉ rõ: “Dốt nát cũng là kẻ địch”, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, một dân tộc yếu là một dân tộc hèn… Người chắt chiu, rèn luyện từng con người, từ việc mở lớp huấn luyện cho các cán bộ ta ngay từ những ngày đầu để thành lập Đảng, đến những lớp xoá mù chữ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, với cả tấm lòng nhiệt thành, kiên trì, nhẫn nại. Người còn thường xuyên tổng kết kinh nghiệm, đưa ra nhiều vấn đề mà sau này chúng ta khái quát lại là mục tiêu giáo dục và nguyên lý giáo dục. Người nói: Phải học, học ở nhà trường, học trong sách vở, học ở quần chúng nhân dân. Đối với học sinh, Người dạy “cần xây dựng tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Với cán bộ, Người dạy “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân...”; Người khuyên “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải đem ra thực hành, giáo dục ở nhà trường và gia đình có quan hệ với nhau, nhà trường phải gắn với thực tế của nước nhà”. Đánh giá vai rò học tập ở trường, Người nói “Sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”.

Đối với Hồ Chí Minh, "trồng người" còn bắt đầu từ việc xây dựng nền tảng đạo đức. Người khẳng định: “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người đòi hỏi tất cả mọi người phải thường xuyên trau đồi đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh hết sức coi trọng đạo đức, song cũng rất mực coi trọng tài năng. Người trân trọng đón mời, ưu đãi và trao chức, trao quyền cho những người có tài. Mặt khác, Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi người phải tinh thông nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng và khuyến khích việc "chiêu hiền đãi sĩ", "cầu người hiền tài" và luôn nhắc nhở phải "khéo dùng cán bộ", phải "hiểu và đánh giá đúng cán bộ”, “có gan cất nhắc cán bộ”, “dụng nhân như dụng mộc” và “muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “trồng người” còn là giáo dục gương “người tốt việc tốt”. Một vấn đề thật đơn giản, dễ nhớ dễ làm, nhưng thật sâu sắc, bởi tính quần chúng và chiều sâu triết học, tầm cao của lòng yêu thương, trân trọng, khoan dung, đại lượng đối với con người và sự nghiệp "trồng người", đó là “người tốt",   mẫu người mà ai cũng có thể trở thành. Nhưng để trở thành “người tốt” phải tự đòi hỏi mình, tự chế ngự và tự nâng mình lên mới có thể vượt qua được thói quen làm những "việc tốt". Hồ Chí Minh chỉ rõ, nêu gương là một phương pháp giáo dục quan trọng. Lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng con người.

Tư tưởng "trồng người" của Hồ Chí Minh rất khoa học và toàn diện, cả về nội dung và phương pháp. Người chỉ rõ: "Việc xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc". Nhìn thấu quá khứ và tương lai, Hồ Chí Minh luôn có lòng yêu thương, tin tưởng mãnh liệt ở thế hệ trẻ, thấy trước những đỉnh cao mà con người Việt Nam sẽ phải đạt tới: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tư tưởng ấy là sự kết tinh từ những tinh hoa cao đẹp của dân tộc, nhân loại và của thời đại. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, cùng với những mặt tích cực của cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực đang làm xói mòn đạo đức của cán bộ, đảng viên và đời sống văn hóa của nhân dân ta. Hơn lúc nào hết, Đảng ta phải học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”.Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, để có một thế hệ tương lai đủ đức, đủ tài gánh vác các trọng trách lớn lao của dân tộc, đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đảng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ giỏi cho nước nhà, đó là những con người phải có cả đức và tài, những người thực sự xứng đáng làm rạng danh tiền đồ của cha ông ta để lại.

Làm được điều đó, Đảng và Nhà nước ta phải có trách nhiệm “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ để họ trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên” như lời Người dặn trước lúc đi xa. Còn lớp thanh niên trong thời kỳ kiến thiết nước nhà, không phải đòi hỏi nước nhà đã làm gì cho mình, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay? Thế hệ trẻ phải có trách nhiệm với sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước, phải ra sức rèn đức luyện tài, siêng năng, sáng tạo, không ngừng học tập vươn lên làm chủ những thành tựu kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật của thời đại… để không phụ niềm tin và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Đỗ Thị Mai - ĐUK Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN