Chương trình về phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy

13/01/2021 - 07:02

BDK - Cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình phòng chống tội phạm (PCTP) và tệ nạn ma túy (TNMT) giai đoạn 2020 - 2025 với các nội dung cụ thể.

Một hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy do Sở Y tế tổ chức. Ảnh: A. Nguyệt

Một hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy do Sở Y tế tổ chức. Ảnh: A. Nguyệt

Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy

Tình hình tội phạm về ma túy (MT) tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện. Xuất hiện hành vi lợi dụng các mạng xã hội (Zalo, Facebook...), mạng internet để giao dịch mua bán trái phép chất MT. Tình trạng lợi dụng hoạt động các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để phạm tội, vi phạm pháp luật về MT đang diễn ra phức tạp, gia tăng. Tình trạng lợi dụng việc ký gửi hàng hóa theo các phương tiện giao thông chở khách để cất giấu, vận chuyển, mua bán chất MT diễn ra ngày càng phổ biến. Sự xuất hiện của nhiều loại MT tổng hợp mới, giá thành rẻ, dễ mua, dễ sử dụng để lôi kéo nhiều người tham gia.

Tình trạng gia tăng của người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT (3.259/2.988 người, tăng 271 người, 9,06%) đã kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội, nhất là số người nghiện MT có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động phạm tội đan xen với tội phạm hình sự (200 đối tượng). Nhóm người nghiện MT tổng hợp có biểu hiện loạn thần, hoang tưởng, “ngáo đá” (79 đối tượng) nguy cơ gây mất an ninh trật tự; đặc biệt, có trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, cá biệt có trường hợp gây trọng án, còn gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Hiệu quả của công tác cai nghiện MT tại gia đình và cộng đồng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chức năng trong can thiệp, trợ giúp cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng chưa bền vững. Một bộ phận lớn người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT không có nơi cư trú ổn định, luôn tìm cách né tránh, có trường hợp chống trả quyết liệt với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác phòng chống ma túy (PCMT) còn nhiều hạn chế; một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện…

9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCTP và TNMT, chương trình đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025. Đó là:

Thứ nhất, triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống và kiểm soát MT, trọng tâm là Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát MT”, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác PCTP và TNMT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, từ đó quan tâm xây dựng gia đình, khu dân cư, xã, phường, thị trấn an toàn, không TNMT. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác PCTP, TNMT. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động nơi công tác có hành vi bao che, dung túng, lơ là, bỏ mặt để tội phạm, TNMT lộng hành, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCMT; phát huy cao vai trò Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tham gia tố giác tội phạm, TNMT. Đổi mới các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với địa bàn, khu vực, đối tượng; tập trung cao vào nhóm người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT; nhóm có nguy cơ cao vi phạm pháp luật; thanh thiếu niên chậm tiến; học sinh cá biệt; các gia đình có người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc tôn giáo, hội viên, đoàn viên; vai trò của đoàn thể, nhà trường, gia đình và người lớn tuổi trong quản lý, giáo dục, giám sát người thân không để vướng vào tội phạm, TNMT.

Thứ ba, thường xuyên rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCMT, nhất là những chồng chéo, bất cập trong các quy định pháp luật, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện thống nhất, đồng bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn công tác phòng chống và kiểm soát MT hiện nay. Đề xuất chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống, kiểm soát MT và động viên, khen thưởng người tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh với tội phạm MT. Quan tâm chính sách hỗ trợ cho người nghiện MT đang tham gia cai nghiện và hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện MT, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình tiếp nhận người sau cai nghiện, người có quá khứ lầm lỗi về MT vào làm việc, giúp họ ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện, tái phạm.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về MT, gắn với công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí xác định mức độ trọng điểm của từng địa bàn, đề ra các giải pháp huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia chuyển hóa, quyết tâm giữ vững các địa bàn chuyển hóa thành công. Giữ vững số địa bàn không có TNMT. Phấn đấu kiềm chế, kéo giảm dần số xã, phường, thị trấn có tệ nạn và người nghiện MT, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Thứ năm, phát huy vai trò chủ động, nòng cốt của các cơ quan chuyên trách trong PCMT, nhất là vai trò chủ trì của lực lượng Công an; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của lực lượng Quân sự, Biên phòng, Hải quan. Chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm, TNMT tại địa bàn cơ sở; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh tội phạm, TNMT. Tập trung rà soát, phân công phân cấp đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức, đối tượng, điểm, tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất MT; ngăn chặn có hiệu quả nguồn MT thẩm lậu vào địa bàn tỉnh qua tuyến giao thông, biên giới biển. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chú trọng các ngành nghề, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm, TNMT hoặc là điều kiện thuận lợi để tội phạm MT hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về MT, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Thứ sáu, thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT, điều chỉnh từng nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, xem đây là giải pháp cơ bản kiềm chế sự gia tăng của TNMT, giảm cầu về MT. Triển khai các biện pháp cai nghiện mới phù hợp với từng nhóm người nghiện MT. Tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp lập hồ sơ xử lý hành chính bằng hình thức giáo dục tại cấp xã, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện bắt buộc theo quy định pháp luật. Nâng cao hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và hướng dẫn, tư vấn điều trị cai nghiện cho người nghiện MT.

Thứ bảy, nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong quản lý, rà soát, thống kê, phân loại, đánh giá tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT; phân loại, bàn giao cho các ban, ngành, đoàn thể địa phương và cơ sở quản lý, giám sát; tập trung quản lý chặt di biến động đối với nhóm người nghiện MT có biểu hiện hoạt động phạm tội đan xen; nhóm đối tượng hoạt động liên tuyến, liên tỉnh; nhóm từ nơi khác đến địa phương hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật.

Thứ tám, tăng cường mở rộng hợp tác về phòng chống và kiểm soát MT với các tỉnh lân cận, khu vực; chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, tổ chức hoạt động phạm tội về MT liên tỉnh, liên tuyến; truy bắt đối tượng phạm tội, truy nã… Tranh thủ các nguồn viện trợ, huy động hợp pháp phục vụ công tác PCTP, TNMT. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng chống và kiểm soát MT, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCMT trong tình hình hiện nay.

Thứ chín, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PCMT tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, cách làm hay, hiệu quả… động viên phong trào phát triển sâu rộng trong nhân dân.

Mục tiêu chung giai đoạn 2020 - 2025 là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kết hợp chặt chẽ giữa phòng - chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy; từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy; công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; hạn chế phát sinh người nghiện ma túy mới; quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.

Tăng cường các nguồn lực; từng bước củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách về phòng chống ma túy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tình hình hiện nay.

  Thu Huyền (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN