Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy

Tạo sự đồng thuận sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2021

02/02/2021 - 12:54

BDK - Thời gian qua, Tỉnh ủy luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò chủ động của các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, bởi Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị bằng chủ trương, nghị quyết (NQ), chỉ thị thông qua tổ chức của Đảng và sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến tiếp đoàn đại biểu Ngoại giao đoàn. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến tiếp đoàn đại biểu Ngoại giao đoàn. Ảnh: Hữu Hiệp

Nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; trong chỉ đạo, điều hành, luôn chủ động, linh hoạt, kiên trì với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả khá rõ nét. Việc ban hành NQ của cấp ủy, cụ thể hóa chỉ thị, NQ của cấp trên theo hướng đồng bộ, đồng loạt, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, có tính khả thi, gắn ban hành cơ chế chính sách với huy động nguồn lực để thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến NQ ra đoàn viên, hội viên và nhân dân theo hướng đổi mới phương pháp, hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tuyên truyền, vận động ở từng cơ quan, đơn vị.

 Việc phân công cán bộ cấp tỉnh, huyện theo dõi, hỗ trợ cơ sở theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định, theo hướng chủ động, tích cực, hiệu quả; “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; giám sát mở rộng” và coi trọng việc tự kiểm tra, tự giám sát...

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có bước đổi mới và hiệu quả hơn; phát huy tốt vai trò tập hợp, giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, hội viên và thanh niên.

Với những giải pháp đồng bộ, thường xuyên trong đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị nên vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu NQ  Đại hội (ĐH) X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra: Kinh tế tỉnh nhà tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng khá, GRDP bình quân đầu người ước đạt 43,6 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 3,58%...

Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện NQ ĐH Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi, thách thức, khó khăn đan xen, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu cơ bản và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu NQ Tỉnh ủy năm 2021, các cấp ủy phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần tạo sự đồng thuận, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt nghiêm túc việc triển khai NQ và các văn bản cụ thể hóa NQ ĐH các cấp, NQ ĐH XI Đảng bộ tỉnh và NQ Tỉnh ủy năm 2021. Trong triển khai NQ cần chú trọng chiều sâu, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp từng đối tượng để truyền “cảm hứng”, tạo sự “đồng thuận” trong toàn Đảng bộ và nhân dân, xây dựng tâm thế hành động ngay từ năm đầu nhiệm kỳ; “sáng tạo”, quyết liệt trong tổ chức thực hiện theo hướng bám sát thực tiễn, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân thực hiện; kiên quyết khắc phục tình trạng NQ, chủ trương “trúng”, “đúng” nhưng kết quả thực hiện đạt thấp.

Hai là, tập trung quán triệt, tổ chức triển khai Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 17-10-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát động phong trào thi đua Đồng khởi mới giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Từng nội dung thi đua được nêu trong “Hai chân - Ba mũi” có tính bao quát, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nên khi tổ chức thực hiện, các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quan tâm đổi mới hình thức theo hướng cụ thể, hiệu quả, sáng tạo, tạo cảm hứng hành động lan tỏa trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và trong nhân dân phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị mình.

Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc khối hành chính nhà nước theo hướng tinh thông, chuyên nghiệp, kiến tạo và phục vụ gắn với xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng văn hóa chính trị trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên ban thường vụ, thường trực và cấp ủy viên các cấp theo Quy định số 31-QĐi/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương, có tư duy đột phá, đổi mới sáng tạo, tư tưởng tiến công, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành, triển khai tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch cụ thể hóa NQ ĐH Đảng bộ các cấp, NQ Tỉnh ủy năm 2021; chú trọng kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, những cách làm sáng tạo, hiệu quả và gương điển hình để tạo sự lan tỏa; đồng thời chấn chỉnh, uốn nắn biểu hiện sai trái; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Sáu là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy hướng về cơ sở; tiếp tục thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”; tập trung công tác xây dựng Đảng theo “4 nắm” (nắm tổ chức; nắm con người; nắm quy chế, nắm NQ, trên nền tảng đó theo dõi, cập nhật tình hình để góp ý, hỗ trợ); “4 góp” (góp ý (phản ánh, báo cáo) cho đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện, chỉ phản ánh những vấn đề nổi lên, không sao chép báo cáo của xã; góp ý (phản ánh, kiến nghị) cho ngành chuyên môn cấp tỉnh những vấn đề cơ sở đặt ra; góp ý cho lãnh đạo huyện trong xem xét giải quyết kiến nghị của cơ sở và góp ý cho đảng ủy xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị); “3 kiểm” (kiểm tra tình hình, mức độ chuyển biến của xã trong từng lúc như thế nào; kiểm tra việc chỉ đạo của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ huyện trong việc giải quyết những ý kiến đề xuất tới đâu và kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý của huyện ủy đối với những phản ánh, kiến nghị ra sao).

Bảy là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành rõ quy chế, thực hiện đúng quy chế, không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng hoặc bao biện làm thay theo phương châm “đúng vai, thuộc bài”; đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, hoạt động có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới.

Các nội dung nêu trên nếu được các cấp ủy tập trung thực hiện đồng bộ, tin tưởng rằng chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2021 đề ra, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết cả nhiệm kỳ, góp phần đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và cả nước vào năm 2030.

Hồ Thị Hoàng Yến - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN