Thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020; một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025

14/10/2020 - 13:02

BDK - Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà đã đồng lòng, chung sức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ với phương châm hành động “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Đổi mới”. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong những năm đầu và năm cuối nhiệm kỳ, song, với tinh thần “Đồng khởi mới” và sự nỗ lực, đồng thuận của toàn thể nhân dân cùng sự lãnh đạo, quản lý, điều hành năng động, sáng tạo, quyết liệt của các ngành, các cấp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, tạo được những “điểm sáng” nhất định và đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng khảo sát tiến độ các công trình trọng điểm của tỉnh. Ảnh: C.Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng khảo sát tiến độ các công trình trọng điểm của tỉnh. Ảnh: C.Trúc

Kinh tế tăng trưởng khá

Nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã phấn đấu thực hiện khá tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,41%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng: Phát triển và nâng cao chất lượng khu vực thương mại - dịch vụ; ổn định và phát triển khu vực công nghiệp - xây dựng; giảm dần khu vực nông nghiệp và sản xuất theo hướng nâng cao giá trị hàng nông sản.

Giai đoạn 2016 - 2020, GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 43,6 triệu đồng, tỉnh ta cơ bản thoát khỏi tụt hậu, mức sống của người dân tỉnh đã vươn lên ngang bằng mức sống trung bình của người dân trong khu vực. Mô hình tăng trưởng kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu. Chất lượng tăng trưởng các khu vực được nâng lên, năng suất lao động tăng bình quân 10,99%/năm, cao hơn giai đoạn trước, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 20%.

Ngành nông nghiệp được đầu tư phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng kết hợp với xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và liên kết phát triển bền vững. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 143.376 tỷ đồng, tăng 6,96% so với kế hoạch. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn chuỗi giá trị đạt kết quả bước đầu, với 8 chuỗi sản phẩm chủ lực được hình thành và từng bước phát huy. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được công nhận chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”, góp phần khẳng định giá trị, chất lượng, thương hiệu và nâng sức cạnh tranh trên thị trường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng bền vững, an toàn, chủ yếu theo quy mô gia trại, trang trại gắn với bảo vệ môi trường. Lĩnh vực thủy sản chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh với khoảng 53,5%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng ổn định ở mức cao với tốc độ tăng trưởng đạt 11,6%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn ước đạt 136.782 tỷ đồng, bằng 91% chỉ tiêu kế hoạch. Hạ tầng công nghiệp được tập trung đầu tư. Đến nay, Khu công nghiệp (KCN) Giao Long I, II và An Hiệp đã được lấp đầy và hoạt động ổn định; tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động 4 cụm công nghiệp (CCN). KCN Phú Thuận đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục để tiếp nhận dự án đầu tư vào năm 2021. Tỉnh rất quan tâm phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, với 19 dự án điện gió và 7 dự án điện mặt trời đã được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 6 dự án điện gió đang triển khai xây dựng và sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. Tỉnh đang trình phê duyệt bổ sung vào quy hoạch 3 cụm nhà máy điện khí với tổng công suất 9.850MW.

Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 204.274 tỷ đồng, tăng bình quân 11,8%/năm. Thị trường xuất khẩu của tỉnh mở rộng trên 126 nước và vùng lãnh thổ, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và một số sản phẩm có giá trị cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5.074 triệu USD, đạt 89,6%, tăng 12,8%/năm; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 2.059,8 triệu USD, đạt 114,4% nghị quyết. Lĩnh vực du lịch được chú trọng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, trong năm 2020 nên đã kéo giảm chỉ tiêu du lịch của cả nhiệm kỳ; lượng khách tăng bình quân 12,5%/năm, doanh thu tăng bình quân 16,5%/năm, thấp hơn chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư khá đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng đô thị đạt kết quả khả quan, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 20%; TP. Bến Tre được công nhận đạt đô thị loại II; thị trấn Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày đạt chuẩn đô thị loại IV; có 20 trung tâm xã, thị trấn được công nhận đô thị loại V; đồng thời thu hút đầu tư khu dân cư, đô thị với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 82.941 tỷ đồng, vượt 3,4% so kế hoạch và tăng gần 1,43 lần so với giai đoạn trước.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) và giới chuyên môn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố; tăng 5 bậc so với năm 2015. Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN” đạt kết quả khả quan, nhiều dự án khởi nghiệp được triển khai và đạt hiệu quả thiết thực. DN và hộ kinh doanh thành lập mới đạt 166,7% chỉ tiêu về DN và 91,3% chỉ tiêu về hộ kinh doanh. Thu hút đầu tư đạt khá, với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 1.088 triệu USD, tăng 2,36 lần và vốn đầu tư trong nước ước đạt 68.414 tỷ đồng, tăng 4,28 lần so với nhiệm kỳ trước.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt và vượt dự toán được giao với 19.914 tỷ đồng, tăng 25,2% so với chỉ tiêu nghị quyết; tổng chi ngân sách đạt 40.766 tỷ đồng, tăng 0,5% chỉ tiêu nghị quyết. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung triển khai thực hiện quyết liệt và sâu rộng trên toàn tỉnh. Lũy kế đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có 55 xã đạt chuẩn NTM, có 80 xã đạt từ 10 - 18 tiêu chí, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Huyện Chợ Lách được công nhận đạt chuẩn huyện NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Văn hóa - xã hội phát triển

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện tốt. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và hoàn thiện; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư từng bước hiện đại; chất lượng khám và điều trị được nâng lên, nhiều kỹ thuật tiên tiến và hiện đại được áp dụng, đạt hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị. Chất lượng đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,19%. Công tác y tế dự phòng, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, đã kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm so với trước.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được đầu tư và phát triển hợp lý, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của xã hội. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa; đổi mới phương pháp dạy và học được triển khai ở các cấp học, chất lượng giáo dục ổn định và tiếp tục được nâng lên. Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh được thành lập và vận hành khá thông suốt, trong đó tập trung đào tạo các ngành mà tỉnh đang có nhu cầu.

Hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thông tin và truyền thông được triển khai thực hiện tốt. Xây dựng phát triển văn hóa, con người có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và di tích lịch sử đạt kết quả tốt. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được nâng chất.

Công tác giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,62%/năm, lũy kế đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 4,59%, vượt chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, giải quyết việc làm cho người lao động ngày càng tăng. Công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kết quả tốt với khoảng 4.961 lao động, đạt 198,4% kế hoạch; năng suất lao động tăng liên tục, đạt bình quân 138,3 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 10,99%/năm.

Bộ máy chính quyền năng động

Bộ máy chính quyền địa phương từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn. Công tác sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Hoạt động quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng quy định, đặc biệt là thực hiện nghiêm nguyên tắc cạnh tranh trong tổ chức thi tuyển công chức các cấp, cũng như thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Công tác cải cách hành chính được tập trung theo hướng đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện; các loại hình dịch vụ công tiếp tục phát triển tạo thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị bước đầu phát huy hiệu quả. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được thành lập và vận hành thông suốt, góp phần cung cấp tốt hơn dịch vụ công đến người dân, DN. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) được cải thiện, một số chỉ số vươn lên nhóm dẫn đầu của cả nước.

Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững. Hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm, bài trừ tai nạn, tệ nạn xã hội được tăng cường với nhiều giải pháp hiệu quả. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tập trung thực hiện quyết liệt. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có tiến bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên, nhất là vai trò người đứng đầu đơn vị. Hoạt động đối ngoại và ngoại giao nhân dân được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong quan hệ đối ngoại, hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài và quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Bến Tre trong thời đại mới.

Nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2020 - 2025

Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các chuỗi giá trị nông sản, đẩy mạnh xây dựng NTM. Chuyển đổi vật nuôi, cây trồng theo vùng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Phát huy thế mạnh kinh tế biển, nâng giá trị thủy sản trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gắn với xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, hình thành hệ thống logistics trong nông nghiệp và liên kết vùng. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới... Chú trọng xây dựng NTM đảm bảo đạt mục tiêu từng giai đoạn, trong đó, tập trung vào 4 tiêu chí: thu nhập, giao thông, môi trường và an ninh trật tự xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, phát triển.

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 136.782 tỷ đồng. Ảnh: N.Dừa

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 136.782 tỷ đồng. Ảnh: N.Dừa

Tiếp tục đầu tư phát triển công nghiệp, ưu tiên công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đầu tư hoàn thiện các KCN, CCN hiện có và nghiên cứu đầu tư một số CCN mới để tạo dư địa phát triển công nghiệp và tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Điều chỉnh quy hoạch các KCN, CCN phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống logistics và giao thông. Tập trung kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng (gió, mặt trời, điện khí, sinh khối), công nghiệp dược - y sinh và các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phát triển thương mại, đa dạng dịch vụ với chính sách thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối, bán lẻ theo hướng hiện đại, phát triển thương mại điện tử, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hạ tầng thương mại vùng nông thôn. Phát triển chế biến - xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ để phục vụ tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ mới, chất lượng, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, vận tải, bưu chính - viễn thông, tư vấn, đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản...

Phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025 và ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đẩy mạnh quảng bá, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút DN du lịch có tiềm lực đầu tư hoặc liên kết để phát triển du lịch.

Tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN có vốn nhà nước chi phối. Phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã; khuyến khích các DN liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu. Tăng cường vận động hộ kinh doanh chuyển lên DN; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ban hành một số chính sách mới để phát triển đội ngũ DN dẫn đầu của tỉnh. Thu hút các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có công nghệ cao, quy mô lớn, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thúc đẩy các DN ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Tập trung xây dựng Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre và Khu công nghệ thông tin tập trung, tham gia vào chuỗi công viên phần mềm Quang Trung để làm nền tảng phát triển kinh tế số của tỉnh. Phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn gắn với đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ, phát huy tốt không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, mở rộng kết nối vùng và hợp tác quốc tế.

Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bộ, thủy, đặc biệt tuyến đường ven biển để tạo động lực phát triển tỉnh theo hướng Đông. Xây dựng phương án tổng thể để giải tỏa công suất cho các dự án đầu tư năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh như điện gió, điện khí, điện mặt trời. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững gắn với khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, thân thiện, hiệu quả. Triển khai phương án phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay.

Tập trung đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, trọng tâm là phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Triển khai hiệu quả việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển toàn diện. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng định hướng Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030 và 2045. Quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững...

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đảm bảo an ninh kinh tế, tôn giáo, an ninh mạng. Chú trọng kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh, nhất là khu vực biên giới biển. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngư dân ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; quản lý, hạn chế và chấm dứt tình trạng tàu cá đánh bắt thủy, hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế, xúc tiến kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác, tận dụng cơ hội thuận lợi, thu hút các nguồn vốn nước ngoài; thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng lực về hợp tác và hội nhập quốc tế. Tích cực hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhất là các tỉnh trong tiểu vùng duyên hải phía Đông.

Theo dự báo, tình hình kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 diễn biến phức tạp khó lường, với cơ hội, thách thức đan xen. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà phải đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cả ý chí và hành động, phát huy tinh thần “Đồng khởi” trong tiến trình xây dựng quê hương. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải năng động, sáng tạo trong công tác, học tập, lao động và sản xuất; các ngành, các cấp phải quyết liệt, sâu sát đối với công tác quản lý, điều hành; tận dụng thời cơ, phát huy nguồn lực nội sinh kết hợp hài hòa với nguồn ngoại lực để tạo thế và lực mới, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cao Văn Trọng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN