“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - những giá trị trường tồn

18/12/2017 - 07:37
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu

Đã 71 năm trôi qua (19-12-1946 - 19-12-2016), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (lời kêu gọi) của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giá trị lịch sử sâu sắc đã trở thành một văn kiện, một bản thiên cổ hùng văn trường tồn cùng lịch sử Việt Nam.

Thứ nhất, lời kêu gọi thể hiện sâu sắc tư tưởng kháng chiến toàn dân. Người cho rằng, quần chúng nhân dân lao động, nếu được giác ngộ và có nhận thức đúng đắn sẽ ủng hộ và hăng hái tham gia cuộc chiến chính nghĩa. Chiến tranh nhân dân do toàn dân ta tiến hành nhằm giành lại và giữ vững nền độc lập, tự do cho Tổ quốc mình là chiến tranh chính nghĩa, “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.

Người giải thích, toàn dân kháng chiến là ai cũng phải đánh giặc, bất cứ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến. Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc…”. Điều này thể hiện ý chí toàn thể dân tộc Việt Nam quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để bảo vệ nền tự do, độc lập mà Người đã tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thế giới. Theo Người, phát huy sức mạnh của dân tộc, thực hiện toàn dân kháng chiến nhưng phải lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Người kêu gọi anh em binh sĩ, tự vệ dân quân phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn non sông đất nước. Tư tưởng này đã được Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước để tập trung xây dựng lực lượng vũ trang gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

Thứ hai, lời kêu gọi thể hiện giá trị lịch sử và giá trị hiện thực. Về giá trị lịch sử, lời kêu gọi là lời hịch cứu nước, có tác dụng cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân nhất tề đứng lên đánh giặc. Lời kêu gọi đã phác họa những nét cơ bản về đường lối chống thực dân Pháp, góp phần chỉ đạo, định hướng cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ trong tương quan lực lượng có lợi cho địch. Để giành thắng lợi, chúng ta phải lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Nắm chắc vấn đề đó, với tầm nhìn thấu suốt, nên trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ những nét cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp: toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh.

Về giá trị hiện thực, 71 năm đã trôi qua, lời kêu gọi đã để lại những bài bài học sâu sắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “… tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân và Đảng, Nhà nước tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới, chúng ta cần quán triệt và hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện đoàn kết mọi tầng lớp, lực lượng trong xã hội, trên nền tảng khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Thứ ba, lời kêu gọi mang giá trị văn chương đậm nét, được viết theo lối cực hạn. Toàn văn lời kêu gọi chưa đầy 200 từ, nhưng đã chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa thông điệp của nó lẫn mang những đặc trưng nghệ thuật riêng cho thể loại văn bản này. Với đa phần là những câu ngắn, câu đặc biệt mang tính khẳng định, mệnh lệnh: “Không!”, “Hỡi đồng bào!”, “Kháng chiến thắng lợi muôn năm”…, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển tải toàn bộ ý nghĩa lịch sử của một lời hiệu triệu dân tộc và tuyên chiến với kẻ thù.

Lời kêu gọi đã thể hiện được tư tưởng, khí chất Hồ Chí Minh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Sau 71 năm nhìn lại, lời kêu gọi vẫn vẹn nguyên giá trị trường tồn.

 

Dương Quốc Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích